Học giả Nguyễn Trần Bạt - Người luôn nghĩ về quê hương
Giữa các diễn đàn thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 25 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về những thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật trong năm 2024 của tỉnh, những khó khăn và cần các giải pháp mạnh mẽ để tiếp tục tăng tốc phát triển; tôi lại nhớ đến học giả Nguyễn Trần Bạt - người nổi tiếng trong giới luật sư, tư vấn đầu tư, kinh doanh và nghiên cứu phát triển từ thời kỳ đất nước bước vào đổi mới. Nhớ về ông qua những lần được gặp gỡ, phỏng vấn, nhớ những trăn trở, kiến giải tâm huyết, những tâm sự, mong muốn của ông về sự phát triển của quê hương Nghệ An.
Sinh năm 1946 trong một gia đình trí thức ở huyện Hưng Nguyên, với năng khiếu thiên bẩm, sóng gió cùng những bước ngoặt của cuộc đời đã trang bị cho Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và chuyển giao Công nghệ sự am tường trên nhiều lĩnh vực, sự trải nghiệm thực tế và thành công trong tư vấn đầu tư, kinh doanh và cả trong nhiều nghiên cứu về đổi mới quản lý kinh tế, cải cách phát triển.
Nghề tư vấn cùng năng lực phân tích trời phú cho ông cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nhà chính trị, ngoại giao, làm việc với nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn từ các Châu lục. Ở đâu, lúc nào ông cũng nỗ lực làm cho thế giới hiểu hơn về đất nước từ các vấn đề về chính trị, kinh tế, pháp luật và văn hóa, góp phần rất đáng kể để xây dựng lòng tin cho giới chính trị, kinh doanh, mở đường cho nhiều tập đoàn phương Tây đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, Nguyễn Trần Bạt đã nắm bắt chính xác và bù đắp một khoảng trống lớn trong bối cảnh đất nước vừa bước vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Gần cả đời xa quê, ông tâm sự: “Tôi luôn băn khoăn về quê hương mình từ khi tôi biết nghĩ như một con người trưởng thành”*. Xem lại những bài viết, bài nói và trả lời phỏng vấn của ông, học giả Nguyễn Trần Bạt đã dành nhiều trăn trở, những ý kiến trao đổi rất chân thành, thẳng thắn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Tại cuộc giao lưu với lãnh đạo và đông đảo doanh nhân Nghệ An do Trường Chính trị tỉnh tổ chức tháng 10/2009, Nguyễn Trần Bạt nói: “Tôi không thấy Nghệ An kém bất kỳ một tỉnh Tây Nguyên nào về phương diện tài nguyên và địa lý. Nghệ An tiếp cận với vùng rất trù phú của nền kinh tế Lào, rất gần với các vùng kinh tế từ Miến Điện và từ Bắc Thái Lan”. Ông tự hào: “Đại bộ phận hay một tỉ lệ rất lớn các trí thức trong nước là người Nghệ. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều người đứng đầu các ngành, thậm chí ở đôi chỗ còn có cả các nhà kinh doanh hàng đầu là người Nghệ”. Và ông bày tỏ trăn trở: “Thấy Nghệ An chưa phải là một điểm sáng chói về giáo dục đào tạo. Người Nghệ khi đi học ở các trường thì rất sáng, thậm chí đôi lúc chói, nhưng Nghệ An thì chưa sáng chói”…“Trong đấu tranh cách mạng, Nghệ An giữ một vị trí quan trọng, thế nhưng trong thời kỳ đổi mới, tỉnh đã nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh khá của miền Bắc như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng mục tiêu ấy chưa hoàn thành”.
Tham gia vào quan trắc quá trình phát triển của Nghệ An từ những năm 1990, học giả Nguyễn Trần Bạt nhận xét: nhiều người Nghệ sốt ruột với sự không giàu có của mình. Một số địa phương của tỉnh bỏ qua sự phát triển có chất lượng quy mô. Nghệ An đã bắt đầu hình thành nhân tố con người, nhân tố đô thị; không nên quá sốt ruột mà cần đi theo hướng phân tích các đặc điểm địa kinh tế của tỉnh để nắm bắt cơ hội phát triển năng lực tự nhiên. Bên cạnh đó, cần phân tích các nhược điểm của môi trường phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An bằng các quy luật khách quan đảm bảo sự an toàn, bình tĩnh, hòa bình của sự phát triển. Về mục tiêu trở thành tỉnh khá của Nghệ An, học giả Nguyễn Trần Bạt cho rằng không quá khó, chỉ khó so với sự quá sốt ruột. Theo ông, quan trọng nhất vẫn là sự kiên nhẫn, nắm bắt cơ hội và dũng cảm vượt qua khó khăn. Không gian kinh tế và tiềm năng của Nghệ An rất lớn và tin rằng, Nghệ An sẽ là một trong những tỉnh hàng đầu cả nước trong tương lai.
Trả lời câu hỏi của một số trí thức, doanh nhân về việc Nghệ An cần làm gì và bắt đầu từ đâu để phát triển, học giả Nguyễn Trần Bạt chia sẻ: “Muốn gì thì cũng phải bắt đầu từ giáo dục;… “giáo dục là cái quan trọng nhất, đấy là điểm quyết tử mà nếu Nghệ An tiên phong được thì sẽ có một tương lai chính trị cực kỳ sáng sủa”. Ông nhấn mạnh: nếu không giải quyết tốt vấn đề giáo dục sẽ không có tương lai. Tính thực dụng khi học là một trong đặc điểm gắn việc học với việc phát triển kinh tế và xã hội. Ông nêu câu hỏi với một số lãnh đạo và trí thức tỉnh nhà:“Chúng ta phải làm như thế nào đó để gắn sự học vốn là truyền thống lâu đời của người Nghệ với sự phát triển kinh tế Nghệ An hiện nay?”.
Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Phát triển chính là làm gia tăng các giá trị đã có. Mà muốn gia tăng các giá trị đã có thì người tiến hành kinh doanh cũng như người tiến hành các lao động kinh doanh phải có trí tuệ để gia tăng các giá trị. Trên cơ sở đó, ông thẳng thắn: bằng mọi cách phải xác lập một thể chế minh bạch, rành mạch và không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật chung; để cho người Nghệ An có điều kiện hành động một cách tương đối tự do trong những điều kiện pháp luật rõ ràng.
Trước ý kiến của một số doanh nghiệp, doanh nhân về cơ chế chính sách, ông chia sẻ: Chừng nào doanh nhân còn đi tìm và kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ thì chưa làm doanh nhân được, bởi vì doanh nhân Việt Nam đã gia nhập WTO rồi thì phải bình đẳng với các doanh nhân khác ở trên thế giới, ít nhất là về mặt quan hệ với chính phủ. Ở các nước phát triển, xã hội vẫn hỗ trợ doanh nhân bằng chính môi trường xã hội chứ không phải bằng thái độ của chính phủ. Đó là môi trường bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ, bảo vệ quyền sở hữu của chủ xí nghiệp, bảo vệ quyền của người lao động một cách chặt chẽ. Đồng thời, ông gợi mở: Nên nhìn các doanh nghiệp như một nguồn trí tuệ lớn đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Đi sâu vào một số lĩnh vực như du lịch, Nguyễn Trần Bạt nhận xét: “Tôi không nghĩ là Nghệ An không có tiềm năng tự nhiên của công nghiệp du lịch. Có thể tiềm năng của nó không phải là xuất sắc nhất Việt Nam, nhưng nó cũng không kém những tỉnh bình thường khác. Tuy nhiên, tiềm năng thiên nhiên chỉ là một khía cạnh. Cơ sở hạ tầng ở Nghệ An vẫn kém. Thành phố Vinh chưa đẹp, chưa được quy hoạch, chưa được thiết kế, chưa được tạo dáng phù hợp để trở thành trung tâm của một tỉnh muốn khuyến khích phát triển du lịch”.
Từ sự trải nghiệm của chính mình, Nguyễn Trần Bạt lưu ý: phải làm thế nào để hút được sức mạnh tiềm năng trí tuệ của người Nghệ từ trong và cả ở ngoài nước về tỉnh: “Tăng cường giao lưu thì sẽ có sức mạnh, mà sức mạnh con người kết hợp với tiềm năng của tài nguyên thì tôi nghĩ là không có lý do gì để Nghệ An kém bất kỳ tỉnh nào”. Ông gợi mở:“Nên tổ chức một chương trình để huấn luyện, bồi dưỡng các doanh nhân. Bởi vì đây là lực lượng quyết định tương lai của nền kinh tế Nghệ An, nếu không được bồi dưỡng, không được tạo điều kiện thì phải nói là rất khó để kinh tế Nghệ An phát triển”… Kết thúc cuộc toạ đàm Nghệ An làm gì để trở thành một trong những tỉnh khá nhất vào tháng 7/2019, ông trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: Trong bối cảnh hội nhập, Nghệ An không chỉ cạnh tranh với 63 tỉnh, thành phố, mà là cạnh tranh với rất nhiều quốc gia. Để chủ động hợp tác, đối thoại và hội nhập thì năng lực dự báo là rất quan trọng. Vì vậy, nên có một viện nghiên cứu chiến lược, dù nhỏ, để từ đó đưa ra những kết luận khoa học cho xây dựng các chính sách khả thi.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An cho thấy, năm 2024 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 9,01%, đứng thứ 13 cả nước. Thu ngân sách đạt 23.751 tỷ đồng, đứng thứ 17 trên toàn quốc và là năm có số thu cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 77 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 22.059 tỷ đồng; trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là 13 dự án, điều chỉnh 12 lượt dự án với tổng mức 1,7 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1900 dự án với tổng số vốn đầu tư 520.000 tỷ đồng; trong đó có 147 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 5,1 tỷ USD, đưa Nghệ An 3 năm liên tiếp giữ vững vị trí tốp 10 địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước. Trong năm học 2024-2025, giáo dục Nghệ An thuộc tốp dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ vượt bậc, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12 toàn quốc…
Đánh giá về những kết quả nổi bật nói trên, nhất là trong thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định: Đó là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ để chuẩn bị mọi điều kiện từ các nhiệm kỳ trước, là kết quả của việc tiếp nhận, khai thác tối đa mọi nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh. Và đây là những điều kiện, nền tảng căn bản cho sự tăng tốc phát triển của Nghệ An trong nhiệm kỳ tới.
Tại cuộc làm việc gần đây của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận về những khó khăn, hạn chế, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp so với yêu cầu hội nhập, về hạ tầng còn thiếu đồng bộ, về chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng, trong đó có lực cản về tư tưởng; đồng tình ý kiến của tôi khi liên hệ quan điểm của học giả Nguyễn Trần Bạt là cần kiên nhẫn, nắm bắt mọi cơ hội và không quá sốt ruột, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã bổ sung tinh thần này thật xác đáng, thú vị: Chúng ta cần “sốt ruột” một cách bình tĩnh và kiên nhẫn!
Sau sự kiện dân ca ví, giặm được Unesco vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi lại có dịp phỏng vấn học giả Nguyễn Trần Bạt. Lần này ông đưa ra một nhận xét rất mới mẻ: “Người Nghệ không chỉ có truyền thống cách mạng, mà còn có truyền thống lãng mạn, những giá trị tinh thần sâu sắc, thú vị và độc đáo”.
Nguyễn Trần Bạt thường nhấn mạnh yếu tố con người gắn liền với văn hoá trong con người xứ Nghệ. Ông kể, từ nhiều năm trước, trong những lần đến chơi nhà, ông Chu Mạnh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và tướng Nguyễn Quốc Thước hay hỏi: Muốn Nghệ An khá giả thì làm gì? Ông nói ngay: Phải mạnh dạn cải cách văn hóa để tăng tính hội nhập. Lý giải về vấn đề này, ông nói: Người Nghệ An có một đặc điểm cực kỳ quan trọng là rất không khéo, hay là ngay thẳng một cách thô bạo. Đặc điểm này hoàn toàn không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, du lịch. Làm thế nào để thật mà không thô, khéo mà không giả, đấy là điều quan trọng nhất…
Nguyễn Trần Bạt mong muốn làm sao cho người Nghệ hấp dẫn hơn, trước hết từ giọng nói. Ngay cả những nhà nghiên cứu khoa học gốc Nghệ cũng nhấn mạnh các thực trạng thổ ngữ, địa phương ngữ mà không đô thị hoá nó, không hiện đại hoá nó để tạo cho người Nghệ An một hệ thống ngôn ngữ phù hợp với độ mở của nền kinh tế. Ông trăn trở:“Tại sao chúng ta không cố gắng sửa chữa, đơn giản như giọng nói chẳng hạn, rất khó nghe. Cái sự mỗi huyện một giọng nói đã đã thể hiện sự không thống nhất về văn hoá, kết quả ít của giao lưu, mà ít giao lưu thì làm sao phát triển được”…“Cần phải có một nhận thức, một chương trình thế nào đó để đô thị hóa phong cách của người Nghệ. Tất nhiên, anh nào mà đô thị hoá quá thì cũng mất cái chất Nghệ đi, nhưng giữ nguyên nó thì cũng không được”. Ông trăn trở: Nếu không thay đổi chất lượng văn hoá thì nguồn nhân lực không có sức hấp dẫn, thậm chí còn dễ bị tẩy chay ở các thị trường ngoài tỉnh. Bằng tri thức, kinh nghiệm sống của mình, ông chia sẻ: “Việc ấy là vô cùng khó; muốn thành công, muốn biến Vinh thành một trung tâm của sự phát triển ở vùng này thì buộc phải làm như thế”. Và ông gợi mở: “Không được sốt ruột, phải kiên nhẫn định hướng liên tục các yếu tố tích cực của văn hóa để tạo ra sự thay đổi có chất lượng”.
Đã tròn 4 năm kể từ ngày học giả Nguyễn Trần Bạt rời xa sự sống mà ông luôn “yêu một cách chân thật, trìu mến, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó”. Giờ đây, qua thời gian, không gian của sự phát triển và tư duy hiện tại, có thể một số ý tưởng, quan điểm về cải cách phát triển kinh tế, văn hoá sâu sắc của ông đã là điều hiển nhiên; có ý kiến, quan điểm cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi thêm. Song một điều có thể khẳng định là những nghiên cứu, quan điểm, ý tưởng của Nguyễn Trần Bạt đều xuất phát từ trách nhiệm, tâm huyết đối với quê hương, từ trí tuệ uyên bác, sắc sảo, thẳng thắn của một nhà khoa học“luôn có lòng tin về sự lương thiện trong mục đích công việc của mình”. Nhiều vấn đề trong các quan điểm, ý tưởng ấy vẫn còn mang giá trị thực tiễn, cần được xem xét một cách thoả đáng. Đó cũng là cách mà chúng ta kết nối quá khứ và để nhận rõ hơn hiện tại, trân quý hơn trí tuệ, tấm lòng của những người con xa quê; qua đó xây thêm những nhịp cầu kết nối trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong nước và của cộng đồng người Nghệ muôn phương cho sự phát triển của Nghệ An trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Như Khôi