Tìm về hơi ấm của Người
Năm 2023 là tròn 30 năm, chị Nguyễn An Vinh – Phó Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục, về công tác tại Khu Di tích Kim Liên. Gắn bó với đơn vị và công việc thuyết minh đã rất nhiều năm, nhưng cho đến nay, mỗi lần gặp một đoàn khách mới, kể lại những câu chuyện dẫu cũ chị vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày đầu. Trong hàng nghìn đoàn khách chị đã được gặp, có những câu chuyện chị mãi không thể quên…
Chị Vinh kể: Khoảng hơn 20 năm trước, vào mùa Đông, hôm trời mưa gió, rét căm căm, tôi được đón một đoàn khách nước ngoài, trong đó có một người khách đến từ Nhật Bản. Khi tham quan đến ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, tôi thấy ông nghe thuyết minh rất kỹ và đứng lặng rất lâu, khác với nhiều vị khách nước ngoài. Đặc biệt, lúc được giới thiệu về chiếc phản gỗ và căn phòng nhỏ, nơi Bác Hồ, anh trai và gia đình sống từ năm 1901 – 1906, tôi thấy ông rất xúc động. Một lúc sau, ông xin tôi được ngồi lên tấm phản gỗ, nhưng theo quy định của khu di tích, không ai được ngồi lên hiện vật; ông nói: “Cho tôi ngồi để tôi tìm lại hơi ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh”…
Một lần khác, chị Vinh cùng các đồng nghiệp ở khu di tích được tiếp đoàn văn công đến từ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Lẽ thường, với khách đến từ nước ngoài, các chị hoặc sử dụng ngôn ngữ của nước bản địa, hoặc sẽ sử dụng phiên dịch. Nhưng với những người bạn Lào, họ xin được nghe thuyết minh bằng tiếng Việt để hiểu trọn vẹn về Bác và những kỷ vật về Người. Nghe câu chuyện về bà Hoàng Thị Loan, người phụ nữ tần tảo một đời hy sinh vì nước, vì chồng con, nghe câu chuyện của gia đình Bác Hồ vì việc chung đất nước mà hy sinh tình cảm riêng tư, nhìn cuộc sống đạm bạc, nhìn nếp nhà đơn sơ của người đứng đầu đất nước… các thành viên trong đoàn không ai cầm được nước mắt. Sau phút lặng đi vì xúc động, những người bạn đến từ đất nước Lào đã cùng với anh chị em ở khu di tích nắm tay nhau hát vang bài “Tình Việt Lào anh em” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới…
Như chị Vinh, các thuyết minh viên và những người làm công tác khác ở Khu Di tích Kim Liên đều dành cho nơi này một tình cảm đặc biệt. Họ tâm niệm nơi “quê chung” này họ may mắn được “thay mặt Bác để tiếp khách”. Cũng với tình cảm đặc biệt, nên qua rất nhiều năm, gắn bó với công việc này, dù mỗi ngày đều làm những công việc rất quen thuộc, nhưng với mỗi đoàn khách khác nhau, mỗi một kỷ vật được các chị kể lại luôn với cảm xúc riêng mới mẻ.
Có lẽ bởi thế, nên dù đến lần đầu tiên hay đã đến thăm Khu Di tích Kim Liên nhiều lần, du khách và nhân dân đều trào dâng xúc động. Là một cựu chiến binh ở Mỹ Đình (Hà Nội), trở về thăm quê Bác trong tháng 5 đặc biệt này, ông Đỗ Xuân Lịch lại nhớ về cái Tết năm 1973. Khi đó, ông đang là chàng trai Hà Nội sau thời gian huấn luyện đã được điều động vào Nam chiến đấu. Trên đường hành quân, đơn vị của ông hơn 100 người được đón Giao thừa đầu tiên xa gia đình ngay trên quê nhà của Bác Hồ. Đoàn của ông sau đó vào Nam, có 3 người mãi mãi không trở về…
Hòa bình, ông Lịch trở lại quê Bác lần đầu vào những năm 1980. Sau này, ông về thăm nhiều lần nữa, nhưng lần nào ông cũng mang một cảm xúc riêng. Ông nói: “Những năm gần đây, tôi trở lại quê Bác thấy nhiều thứ khác biệt lắm, đẹp hơn trước rất nhiều. Nhưng dẫu cảnh vật có đổi thay thì nếp nhà tranh và những hiện vật ở quê Bác vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Xem lại những kỷ vật, tôi càng hiểu hơn con người của Bác và kính trọng trước một nhân cách thật cao đẹp, giản dị…”.
Từ năm 1956, ngay sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng, Chính phủ đã có chủ trương khôi phục Di tích Làng Sen và Di tích Hoàng Trù để đáp ứng tình cảm, nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đến năm 1964, nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng. Năm 1970, một năm sau khi Bác Hồ từ trần, nơi đây có thêm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên chính thức được thành lập. Đây cũng là di tích lưu niệm đầu tiên trong hệ thống bảo tàng và Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được phục hồi, phát huy tác dụng và vinh dự được đón Bác trong hai lần Người về thăm quê hương.
Cùng với quần thể di tích, nơi đây đang lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị. Một trong những hiện vật gốc rất quý giá là chiếc rương gỗ được xem là của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan được bố mẹ tặng lúc lấy chồng ra ở riêng. Năm 1895, khi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế, Bà Hoàng Thị Loan đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương và sau đó nhiều lần đổi chủ. Thời điểm khôi phục lại ngôi nhà, cán bộ Ty Văn hóa Nghệ An đã khá vất vả mới sưu tầm lại đúng chiếc rương về để trưng bày trong di tích.
Hiện vật chiếc xe ô tô Gát 69 chở Bác Hồ về thăm quê hương năm 1961, ban đầu do Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An quản lý rồi chuyển Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài chính và đến năm 1979 thì chuyển cho Trường Trung học Tài chính quản lý và sử dụng. Gần 20 năm sau, nhân kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, chiếc xe mới được tặng lại cho Ban quản lý Khu Di tích Kim Liên để bảo quản, phục vụ nhu cầu tìm hiểu về Bác Hồ của du khách trong và ngoài nước.
Gần đây nhất, Khu di tích đã sưu tầm được hàng chục bức thư, trong đó có những bức thư Bác Hồ gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An; thư gửi học sinh Trường THCS Kim Liên; thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ thành phố Vinh; thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão. Đặc biệt, những lá thư mà các học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh gửi chúc mừng Bác vào những năm 1960, đã cho thấy tình cảm của thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh đối với Người. Nhiều lá thư thể hiện nỗi nhớ, mong ước được Bác đến thăm trường với lời hứa “sẽ học tập chăm chỉ, trau dồi hạnh kiểm để xứng đáng là học trò ngoan của Bác”.
Để phát huy giá trị của di tích, trong hơn 60 năm qua, Khu Di tích Kim Liên đã luôn làm tốt công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc bảo tồn, gìn giữ vẹn nguyên các cụm di tích gốc và các di tích phụ cận một cách bài bản. Ông Lâm Đình Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ của Khu di tích cũng cho biết: Hiện nay, Khu Di tích Kim Liên đang bảo quản 290 hiện vật với 100 đơn vị hiện vật gốc, hiện vật đồng thời đồng loại. Ngoài ra, ở khu lưu trữ hiện vật còn lưu trữ 42 đầu loại với gần 4.000 đơn vị hiện vật cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước của các địa phương đã tặng cho Khu Di tích Kim Liên và các đầu tư liệu được sưu tầm.
Phần lớn các hiện vật đã được số hóa và nhờ đó, góp phần làm phong phú thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm sống tại quê hương cũng như hai lần Người về thăm quê. Những hiện vật được trưng bày tại đây đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, thông qua đó, chúng ta hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Người để lại cho chúng ta hôm nay…
Nội dung: Mỹ Hà
Ảnh: Mỹ Hà - Huy Thư - Đình Tuyên - Sách Nguyễn
Thiết kế: Thục Linh