Tạo ra một sản phẩm thì dễ, thị trường hóa sản phẩm đó mới khó
Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai thực hiện từ năm 2018. Sau 5 năm triển khai, diện mạo nông nghiệp của Việt Nam được định hình rõ hơn bằng hàng ngàn sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Thị trường nội địa Việt Nam cũng đã quen dần với các đặc sản vùng miền trong nước thông qua thương hiệu OCOP. Mặc dù vậy, bên cạnh sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, thì vẫn còn không ít băn khoăn về chất lượng, giá trị kinh tế mang lại và đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm OCOP. Làm sao để thị trường hóa sản phẩm OCOP, làm sao để tạo sự hấp dẫn và khác biệt giữa sản phẩm OCOP với những nông sản thông thường khác trên thị trường, làm sao để sản phẩm OCOP không bị nhạt nhòa và mai một giữa rừng sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Đó là trăn trở không chỉ của nông dân, các cấp chính quyền hay các đơn vị dịch vụ thương mại. Với tư cách là tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một vài cảm nhận và chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau đây sẽ phần nào giúp bà con và các địa phương có cách nhìn, định hướng rõ hơn trong phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung và OCOP nói riêng.
Phóng viên: Xin kính chào Bộ trưởng! Bộ trưởng có thể cho một vài đánh giá và cảm nhận của mình về kết quả thực hiện Chương trình Quốc gia ‘Mỗi xã một sản phẩm” mà ngành nông nghiệp triển khai trong thời gian qua?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đây là một chương trình lớn của ngành Nông nghiệp và được triển khai sâu rộng đến từng thôn xã trong cả nước. Chúng ta đều biết Việt Nam không thiếu những sản vật nông nghiệp. Mỗi vùng miền, mỗi mùa vụ đều có những đặc sản khác nhau, rất đa dạng, phong phú. Không chỉ diện tích mà năng suất sản lượng cũng rất lớn. Tuy nhiên để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hàng hóa lại cần có chiến lược và một định hướng cụ thể. Sản phẩm gì cũng vậy, không riêng gì nông nghiệp, muốn tạo sự chú ý, muốn có vị trí chỗ đứng trên thị trường thì trước hết phải xây dựng được thương hiệu và nhãn hiệu. Và khi đã mang thương hiệu, nhãn hiệu thì phải có gì đó khác biệt với những sản phẩm cùng loại. Đó chính là chất lượng, là mẫu mã, là quy trình sản xuất…Với nông sản thì sản xuất sạch, an toàn vô cùng quan trọng. Và cuối cùng anh muốn người ta nhớ, người ta để tâm thì phải có một cái tên để định danh, để gọi. Và trong nông nghiệp, OCOP chính là như thế.
Thời gian qua tất cả các địa phương đều đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chương trình này. Chúng ta cũng phải đánh giá mặt tích cực, sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP. Đó cũng là niềm tự hào của nông dân Việt, nông nghiệp Việt. Chúng ta có hàng ngàn sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, 3 sao, 4 sao. Ngay như Nghệ An, tôi nhớ hình như là đã có đến gần 500 sản phẩm được công nhận. Tuy nhiên, tôi nghĩ tạo ra một sản phẩm thì dễ nhưng thị trường hóa được sản phẩm đó mới là khó. Bởi vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng ở khắp đất nước mình. Tôi lấy ví dụ, Sen thì đâu chỉ có Nghệ An, mà Đồng Tháp, Huế, Bắc Ninh, thậm chí Hồ Tây - Hà Nội cũng có, đúng không. Rồi lạc, cá, lúa gạo cũng vậy. Ngay như Cam đâu chỉ có cam Vinh, cam Hòa Bình, Bắc Giang, hay Đồng Tháp Cam cũng nhiều lắm chứ. Thành ra quan trọng là chúng ta hiểu được giá trị của nông sản để chúng ta chăm chút sản phẩm đó và thước đo của OCOP không phải là bao nhiêu sản phẩm, mà giá trị cuối cùng chính là chúng ta dẫn dắt được cái dòng sản phẩm đó đến được thị trường như thế nào, được người tiêu dùng cảm nhận bằng cảm xúc thực sự chứ không đơn thuần là mua một sản phẩm nông nghiệp.
Phóng viên: Theo tôi được biết, đến thời điểm này Nghệ An là một trong những địa phương trong nước có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận nhất. Tuy nhiên, nhìn ra thị trường thì các sản phẩm OCOP của Nghệ An vẫn khá nhạt nhòa. Theo Bộ trưởng thì có phải là do chúng ta chạy theo số lượng hay là do tự thân của các sản phẩm chưa đạt được chất lượng để thị trường chấp nhận?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi cũng chưa có một sự so sánh nào để xác định xem là địa phương hay ngành có chạy theo số lượng hay không, nhưng tôi luôn mong rằng: chúng ta làm thì phải làm hết tâm thế của mình, làm bằng sự trăn trở và suy nghĩ cho người nông dân, cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi là tại sao mình có nhiều sản phẩm OCOP như thế nhưng trong các siêu thị, hệ thống phân phối trong cả nước rất hiếm gặp các sản phẩm OCOP của Nghệ An. Ngay cả ở thành phố Vinh cũng rất ít. Trong khi nhiều sản phẩm của các địa phương khác lại xuất hiện trong hệ thống phân phối của mình. Chẳng hạn khi ra Hà Nội, vào siêu thị hay vào bất cứ nơi nào có bày sản phẩm OCOP, không thấy sản phẩm của Nghệ An thì phải đặt câu hỏi là tại sao? Rồi từ những trăn trở đó mới tìm ra nguyên nhân. Có phải do chúng ta chạy theo số lượng mà không biết chăm chút chất lượng sản phẩm, hay là do bao bì mẫu mã, do truyền thông, quảng bá, do chúng ta không biết kết nối thị trường.vv.vv... Đó chính là những cái gạch đầu dòng để cùng suy ngẫm và tìm ra lời giải. Mỗi cái đầu dòng đó sẽ giúp chúng ta định vị lại. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh thêm lần nữa: tạo ra sản phẩm nó dễ, nhưng để thương mại hóa được sản phẩm và mang tính bền vững nó lại là câu chuyện khác. Quy luật của thị trường là khi sản phẩm lên kệ siêu thị, sản phẩm nào mang lại doanh thu nhiều nhất cho siêu thị tính trên một đơn vị diện tích thì người ta sẽ ưu tiên bán sản phẩm đó. Chứ anh đưa hàng lên đó để cả tháng mà không ai mua thì người ta sẽ đẩy anh ra thôi.
Nhiều lãnh đạo địa phương cứ đếm số đầu sản phẩm OCOP mà không lượng hóa được có bao nhiêu sản phẩm được thị trường hóa thì chưa hiểu hết giá trị của kinh tế nông nghiệp. Quan trọng nó phải nằm ở trên cái kệ hàng, và cũng không phải nó chỉ nằm một lần, mà phải nhân giá trị sản phẩm lên. Hôm nay chúng ta thấy nó đã tốt rồi nhưng mà ngày mai chưa chắc nó còn tốt, bởi ngày mai sẽ có những sản phẩm ở phía sau tốt hơn, chiếm ưu thế và lấn át thị trường. Vì thế, yêu cầu của kinh tế hàng hóa chính là phải luôn cải tiến, cải tiến, cải tiến. Có như thế thì người tiêu dùng mới thấy được cái mới, cái hấp dẫn của sản phẩm và không rời bỏ nó.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề trong tiếp thị, giới thiệu quảng bá sản phẩm, đó là: làm sao lãnh đạo địa phương phải trở thành người đi tiếp thị sản phẩm cho bà con mình chứ không phải chỉ đóng vai trò phát động để bà con sản xuất, rồi bà con tự đi tìm kiếm thị trường. Chúng ta nên biết rằng, thị trường là chuyện rất khó đối với người tạo ra sản phẩm OCOP. Bởi người tạo sản phẩm OCOP là nông dân, mà nông dân thì đâu có dịp để đi đây đi đó, chỉ có lãnh đạo hay doanh nghiệp mới có thể mở rộng các mối quan hệ tiếp xúc, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tối lấy ví dụ, tháng vừa rồi, 7 ông Thống đốc của Nhật Bản đến Việt Nam, vào Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi ông đem theo một đặc sản của quê hương mình để giới thiệu cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Tại sao ông Thống đốc phải đi bán hàng, chẳng có lí do gì cả, đúng không? Nhưng các ông nghĩ, đó chính là hình ảnh quê hương, hình ảnh đất nước, và hơn hết, họ nghĩ làm sao để cho người nông dân sản xuất ra sản phẩm tự tin hơn khi có lãnh đạo hiểu, chia sẻ và đồng hành với họ.
Phóng viên: Tôi muốn quay trở lại một vấn đề, đó là có phải do chủ trương, chính sách kiểm soát, thẩm định tiêu chí đặt ra cho sản phẩm OCOP quá dễ dàng, lỏng lẻo hay không? Bởi vì cũng chính sự quá dễ dãi, lỏng lẻo nên người dân cảm thấy dễ đạt được thương hiệu, không quá chú trọng chăm chút cho sản phẩm của mình, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thực ra, có những địa phương người ta dành những vị trí đẹp nhất trong đô thị để mở các quầy giới thiệu sản phẩm OCOP, hoặc tất cả những khu du lịch người ta đều ưu tiên dành không gian để giới thiệu các sản phẩm OCOP. Tôi nghĩ đó cũng chính là sự hỗ trợ kết nối thị trường, tạo ra thị trường, là sự hỗ trợ bền vững nhất… Quan điểm, tư duy và suy nghĩ giá trị của sản phẩm OCOP nằm ở đâu thì lãnh đạo địa phương sẽ hành động tới đó. Thấy nó là niềm tự hào thì chúng ta sẽ tìm những chỗ nào đẹp để trưng bày và giới thiệu, và đi đâu cũng mang theo niềm tự hào đó. Còn nếu chúng ta không tự hào và cho rằng nó có tạo ra được bao nhiêu GDP cho tỉnh đâu, vậy thì đương nhiên sẽ không có sự đầu tư chăm chút cho nó. Nhiều khi chúng ta đi theo dòng cảm xúc đó nên chúng ta bỏ quên giá trị văn hóa, giá trị bền vững của sản vật quê hương. Mà văn hóa bây giờ cũng là sản phẩm có thể bán và tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Tôi muốn khẳng định lại một điều là: cái mà chúng ta hướng đến không phải là tạo ra một sản phẩm OCOP, mà là tạo ra một sự tự tin, tạo ra một sự thay đổi, một tư duy mới cho người nông dân, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Khi chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là chúng ta đã tạo ra được những giá trị cao hơn từ trong chuỗi ngành hàng chế biến, bao bì thương mại điện tử.
Phóng viên: Vâng, chúng ta lại nhắc tới một vấn đề khác đó là muốn có kinh tế thì phải trân trọng các giá trị văn hóa và sự tử tế, đúng không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đúng vậy, sự tử tế trong sản xuất hay bất cứ hoạt động nào cũng chính là văn hóa. Nếu lãnh đạo địa phương làm được như thế thì bắt đầu xem tín hiệu thị trường phản ứng với các sản phẩm OCOP của địa phương mình như thế nào, để rồi từ đó chúng ta sẽ định vị giúp người nông dân tạo ra sản phẩm OCOP. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm chính là tiếp cận thị trường, lắng nghe tiếng nói thị trường, sau đó phản hồi lại cho người sản xuất. Chẳng hạn thị hiếu, nhu cầu thị trường Thành phố Hà Nội sẽ khác thị trường Thành phố Hồ Chí Minh ở chỗ nào, mỗi thị trường một khác, thị trường này sản phẩm mình có nhưng tỉnh A, tỉnh B kia cũng có, người ta làm thế này, thế kia, mình muốn vượt qua người ta thì mình phải làm thế này. Đó chính là lắng nghe tín hiệu thị trường, từ đó bà con sẽ có sự điều chỉnh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp. Sản phẩm không hề đứng yên, vì thế đừng bao giờ để những người tạo ra sản phẩm OCOP tự bằng lòng với sản phẩm của mình.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hàng hóa.