“Ông đồ xứ Nghệ” Văn Như Cương - Nhà giáo, Nhà văn hóa độc đáo và xuất sắc

Ông đồ Nghệ hiện đại, điển hình

Tôi có may mắn làm quen và tiếp xúc với Nhà giáo Văn Như Cương trên 30 năm (1985-2017). Và có những thời điểm tuần nào cũng nói chuyện với nhau. Ông nói rất hay, hấp dẫn, dí dỏm, dễ hiểu và thẳng thắn. Tôi nghĩ, cuộc đời và những đóng góp của ông rất xứng đáng có một cuốn sách tương đối hoàn chỉnh, có nhiều góc nhìn.

Tôi đã cố gắng làm được điều đó khi vào ngày giỗ đầu của ông, tôi xuất bản cuốn sách “Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi” với khoảng 300 trang khổ 16x24. Tôi xem cuốn sách của mình như một nén hương tưởng nhớ ông. Tôi cũng có thể nói về ông ngắn gọn hơn cho những người không có điều kiện đọc sách.

PGS-TS Văn Như Cương

Nhà giáo Văn Như Cương sinh ngày 01/7/1937, ở làng Quỳnh Đôi, một vùng đất giàu truyền thống. Cha ông – ông Văn Đức Bích là một nhà giáo có trí tuệ, giàu bản lĩnh đã sống một cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm. Cha ông từng làm Hiệu trưởng một trường cấp 1 ở xã Quảng Ngọc, Quảng Xương, Thanh Hóa.  Người cha có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, sự kiên định cũng như con đường giáo dục mà Nhà giáo Văn Như Cương lựa chọn.

Một người nữa có ảnh hưởng lớn đến sự nghệp giáo dục của Nhà giáo Văn Như Cương là thầy Nguyễn Thúc Hào - Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm Hà Nội, sau đó về xây dựng và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh. Có thể nói, làng quê, dòng họ, gia đình, bạn bè và thời đại đã hun đúc, tôi luyện nên một nhà giáo, một trí thức, một nhân cách Văn Như Cương – ông vững vàng, kiên định, năng động, sáng tạo trên con đường gian khó và vinh quang của mình.

Làm giáo dục trong thời hiện đại phải có chính kiến, nếu không sẽ là “đẽo cày giữa đường”. Phải có chính kiến xây dựng từ tư tưởng, triết lý và dựa vào giáo dục truyền thống Việt Nam, lựa chọn một con đường phù hợp. Nhà giáo Văn Như Cương có được điều đó, ông được trang bị kiến thức, ông suy ngẫm, ông xem nghề dạy học là nghề truyền thống của gia đình, của làng quê nên suốt đời có ý thức bổ sung, hoàn thiện nghề này. Ông có một lựa chọn khó khăn duy nhất là khi vào học Trường đại học Sư phạm Hà Nội I, là học Toán hay học Văn? Bản thân ông cũng như những người thầy của ông đánh giá khả năng Toán và Văn của ông ngang nhau, ông học ngành nào cũng tốt. Cuối cùng ông đã chọn Toán. Tuy vậy, ông cũng không bỏ Văn, ông đọc rất nhiều tác phẩm văn học, có những đánh giá riêng. Ông làm thơ rất sớm, thơ của ông được đánh giá cao. Nhưng ông dành phần lớn thời gian để tiếp thu, chắt lọc được những cái hay của các ông đồ Nghệ xưa và nâng nghề dạy học lên một tầm cao mới – giàu tính nhân văn, giàu tính thẩm mỹ và mang hơi thở của thời đại.

Văn Như Cương - Bạn bè và sự nghiệp

Nhà giáo Văn Như Cương có rất nhiều bạn bè. Bạn cùng làng, bạn học, bạn cùng dạy... và đơn giản là những người bạn cùng thời thường gặp gỡ nhau trao đổi thông tin, cảm xúc. Những người bạn có ảnh hưởng rất lớn đến Nhà giáo Văn Như Cương là các ông Hồ Phi Phục, Hồ Anh Dũng, Dương Huy, Hồ Sỹ Hậu, Phan Đình Diệu, Nguyễn Tài Tuệ, Ông Văn Tùng, Nguyễn Khắc Phi, Hồ Mộ La, Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn, Phan Huy Lê, Phong Lê... Đây là những trí thức lớn với những đóng góp có giá trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thầy Văn Như Cương bên những người học trò của mình

Ngoài ra, còn có đông đảo các nhà báo, nhà văn, nhà giáo quý trọng và thường trò chuyện cùng Nhà giáo Văn Như Cương. Cái đáng quý của những người này là họ tiếp xúc thường xuyên với Nhà giáo Văn Như Cương, thông tin cho ông mọi chuyện mà họ cho là thú vị ở mọi ngóc ngách của đời sống. Nhiều người nổi tiếng khác không có được điều này. Có thể nói “kênh” bạn bè có ảnh hưởng qua lại rất lớn về tư tưởng, suy nghĩ, hành động của Nhà giáo Văn Như Cương. Trên có sở giao tiếp với bạn bè, ông chắt lọc những điều bổ ích, bổ sung thêm cái độc đáo của mình để làm những việc mang lại lợi ích cho xã hội.

Tôi có rất nhiều buổi tham dự những cuộc trò chuyện của ông với bạn bè và tôi  hiểu vì sao những nhà khoa học, những nghệ sĩ, những nhà báo, nhà văn lại thích tiếp xúc với Nhà giáo Văn Như Cương. Đơn giản là những cuộc tiếp xúc đó làm cho họ giàu có thêm về tâm hồn và trí tuệ, bản lĩnh thêm vững vàng. Điều này giúp họ lạc quan và không bao giờ lạc hậu trong đời sống có nhiều biến động và luôn luôn đổi mới.

Cũng cần nói thêm rằng, chính bạn bè là những người giúp đỡ Trường Lương Thế Vinh đứng vững và phát triển khi là ngôi trường dân lập đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ngày đó, một số bạn bè, người quen của thầy Văn Như Cương tình nguyện đến dạy ở Trường Lương Thế Vinh mà không hề nói tới tiền công. Mà họ đều là những giáo viên, những trí thức có tên tuổi.

Một nhà giáo tài năng, mẫu mực, độc đáo

Trong cuộc đời làm báo hơn 40 năm của mình, tôi gặp nhiều người tài đức nhưng người có cá tính mạnh mẽ và độc đáo như Nhà giáo Văn Như Cương thì hiếm. Những người tài năng, đức độ trong lĩnh vực giáo dục của chúng ta khá nhiều, nhưng những người thể hiện được bản lĩnh của mình trong việc làm nghề dạy học một cách độc đáo và hiệu quả như thầy Cương thì ít.

Nhà giáo Văn Như Cương, ngoài tài năng, đức độ, ông còn là một người độc đáo, có cách ứng xử hết sức thú vị. Ông uyên bác, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều thế hệ học trò; ông lịch lãm, hào hoa nhưng cũng rất giản dị, gần gũi, chân tình, hào sảng, rộng lòng với mọi người.

Chính những điều đó khiến ông được nhiều người biết đến và yêu quý. Có rất nhiều chuyện minh chứng cho điều đó. Có lần ông cùng với một số bạn bè lên Cao Bằng du ngoạn, ông vào một quán cơm bình dân ăn trưa. Có hai cô giáo đứng sững người ngạc nhiên khi nhìn thấy thầy Cương ở nơi như vậy. Một cô còn bảo, đấy không thể là thầy Cương được, vì thầy mà lên Cao Bằng sẽ là thượng khách của Ủy ban nhân dân tỉnh chứ không thể ăn cơm ở quán bình dân. Thầy Cương là thế, giản dị, không giáo điều, nên sẵn sàng ngồi ở những chỗ bình thường nhất.

Ngoài tài năng, nhân cách, mọi người biết đến Nhà giáo Văn Như Cương là một trong những người tiên phong trong cải cách giáo dục và có những đóng góp lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Điều này cũng dễ thấy vì đóng góp của thầy Cương rất nổi bật.

Đã từng có giai đoạn, giáo dục nước ta đổi mới và khá cởi mở, thậm chí là đã có thí điểm bầu Hiệu trưởng ở các trường đại học. Vào khoảng năm 1988, Trường đại học Sư phạm Hà Nội I tổ chức bầu Hiệu trưởng. Việc bầu Hiệu trưởng phải qua nhiều vòng. Nhà giáo Văn Như Cương là một trong ba người được vào vòng cuối cùng, nghĩa là trong ba người này, chọn lấy một, ai cao phiếu nhất sẽ là Hiệu trưởng. Trong dư luận ở trường, thầy Cương được ủng hộ nhiều nhất và gần như nắm chắc phần thắng vì thầy dạy hay, viết nhiều sách, có đề thi Toán quốc tế. Ấy vậy mà trước khi việc bỏ phiếu vòng quyết định diễn ra, thầy Cương xin rút. Vậy là chỉ còn hai người chọn một, việc bầu Hiệu trưởng trở nên rất thuận lợi.

Sau đó ít lâu, thầy Văn Như Cương đề xuất với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Phạm Minh Hạc cho mở trường tư thục ở Việt Nam. Ngày đó, khái niệm tư thục trong lĩnh vực giáo dục ít ai dám nghĩ tới, nói gì tới việc xin được mở trường tư thục. Ấy thế mà thầy Văn Như Cương làm đề án xin được mở trường tư thục ngay tại Thủ đô Hà Nội. Được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số lãnh đạo khác, Trường dân lập (chưa dùng từ “tư thục”) Lương Thế Vinh đã ra đời vào ngày 1-6-1989. Sau 35 năm, giờ trường tư thục đang nở rộ ở Việt Nam với hàng ngàn cơ sở từ mầm non đến đại học. Điều này đã mang lại lợi ích to lớn cho đất nước vì có thể đào tạo hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên mà không dùng đến tiền ngân sách. Đây là một đóng góp vô cùng to lớn của Nhà giáo Văn Như Cương. Việc mở ra những cơ sở giáo dục ngoài công lập làm lợi cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng trăm ngàn tỷ đồng. Vào cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước mà làm được việc đó thì rõ ràng là dũng cảm, có bản lĩnh và vô cùng tự tin.

Triết lý giáo dục Văn Như Cương

Trên báo chí và mạng xã hội, khi phê phán những yếu kém của giáo dục nước ta, nhiều người cho rằng, nền giáo dục Việt Nam không có triết lý. Tôi cho rằng, nói như thế là không chính xác và khá hời hợt. Chỉ riêng Nhà giáo Văn Như Cương thôi cũng đã có triết lý giáo dục của riêng mình. Triết lý giáo dục của ông xuyên suốt việc giảng dạy, viết sách, quản lý hoạt động của nhà trường. Triết lý này được khái quát trong câu nói của ông đã được nhiều người biết đến. Câu nói này được khắc trên đá tại điểm trường Mầm non Nà Ngao - Hà Giang (ngôi trường được xây dựng theo di nguyện cuối cùng của Nhà giáo Văn Như Cương):

Trong triết lý giáo dục của Nhà giáo Văn Như Cương, người thầy phải là mẫu mực và truyền cảm hứng cho học sinh. Làm thầy giỏi thì phải nói được viết được, lời nói phải đi đôi với việc làm. Ví dụ câu chuyện ông giáo dục cho học sinh Lương Thế Vinh về việc bảo vệ môi trường. Lần đó, hơn 3.000 học sinh đi dã ngoại trên Mai Châu (Hòa Bình). Trước khi đi, gần trăm ôtô khách đỗ ở bãi trống để đón học sinh. Trong lúc chờ đợi lên xe, học sinh vứt rác bừa bãi. Khi học sinh lên xe nhìn xuống, thấy thầy Hiệu trưởng râu tóc bạc phơ đang cầm cái túi to đi nhặt rác. Không cần phải nói, sau 2 ngày 1 đêm ở Mai Châu, các học sinh của ông đều có ý thức nhặt rác, thu dọn vệ sinh sạch sẽ. 

Nhà văn hoá Văn Như Cương

Những di sản mà Nhà giáo Văn Như Cương để lại rất có giá trị. Nhắc đến Nhà giáo Văn Như Cương, chúng ta nhớ đến những tiếng nói phản biện khá mạnh mẽ của ông trước những vấn đề của giáo dục nói riêng và của đời sống nói chung. Cả đời Nhà giáo Văn Như Cương "sống chết" với ngành giáo dục nên ông luôn có những chính kiến trước các vấn đề thay đổi. Hiện nay facebook của ông với cái tên Cương Như Văn (có hơn 120.000 người theo dõi) vẫn hoạt động trên mạng. Đến thời điểm này, một số kiến nghị của thầy Văn Như Cương đã được thực hiện. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho thi tuyển vào lớp 6 (trước đấy chỉ xét tuyển).

Trong thời gian tới, những người làm quản lý trong ngành giáo dục sẽ vẫn quan tâm đến những phản biện cụ thể có tính chất xây dựng của Nhà giáo Văn Như Cương, bởi vì ở đó còn có nhiều điều bổ ích. Ngay cả khi lâm trọng bệnh, ông cũng đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước những đổi thay rối rắm, quẩn quanh của giáo dục nước nhà. 

Ông có chính kiến riêng, luôn sẵn sàng lên tiếng để góp thêm tiếng nói định hướng tốt hơn cho giáo dục nhưng ông không đôi co, tranh cãi với đồng nghiệp trên các phương tiện truyền thông. Đó cũng là điều khác biệt của ông với nhiều nhà giáo dục hiện nay.

Trong cuốn sách của mình, tôi đã “gia công” lại phần giai thoại. Gần như là nguyên tắc, những người nổi tiếng thường có những giai thoại “vây quanh”. Về Nhà giáo Văn Như Cương, có rất nhiều giai thoại. Giai thoại là những câu chuyện “nửa thực, nửa hư” được mọi người kể cho nhau nghe; mỗi người kể lại có thể thêm thắt chi tiết, sau đó mới được ghi lại. Những giai thoại về Nhà giáo Văn Như Cương rất thú vị và có ý nghĩa sâu sắc.

Giai thoại vào loại nổi tiếng nhất, nhiều người biết tới nhất nhưng có nhiều khảo dị không hợp logic là giai thoại "Lợn nuôi Giáo sư Văn Như Cương". Tôi đã có nhiều dịp ngồi cùng ông để "đính chính" lại các giai thoại này. Chính xác là thời đó, vì nhà đông con nên muốn tăng thêm thu nhập, ông nuôi lợn trên tầng 3. Ông bị công an tới kiểm tra và lập biên bản. Ông vui vẻ tiếp công an, đồng ý ký vào biên bản nếu biên bản phản ánh đúng sự việc. Lúc đầu anh công an viết “Phó Giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn”. Ông bảo: “Nhờ mỗi năm bán được mấy lứa lợn nên có đủ tiền nuôi các con ăn học, vậy thì đâu chỉ tôi nuôi lợn?”. Nghe thấy thế, anh công an trẻ viết lại “lợn nuôi Phó Giáo sư Văn Như Cương”. Ông không ký và nói: “Tôi mua lợn về, tôi cho lợn ăn, vậy tại sao nói lợn nuôi tôi?!”. Công an toát mồ hôi, không biết viết thế nào cho đúng?! Mãi sau, thầy Cương mới bày cho cách viết đúng: “Trên tầng 3 nhà B3, tập thể Thanh Xuân Bắc, Phó Giáo sư Văn Như Cương và lợn nuôi nhau trong nhà”. Công an cầm biên bản ra về, hứa là sẽ quay trở lại nhưng thầy Cương chờ mãi không thấy họ đâu.

Vợ chồng thầy Cương đã có 56 năm gắn bó

Trong đời sống, ông là người nhân hậu, có tấm lòng rộng mở và có sức cảm hóa. Người ta bảo chọn bạn mà chơi nhưng ông Cương không thế, ai đến với ông, ông đều đón nhận và làm cho họ vui vẻ, hài lòng và tốt lên. Ông sẵn sàng nghe những ý kiến phê bình, góp ý, kể cả người đó là học sinh của ông. Có lần ông đến bếp ăn của trường, ông hỏi học sinh ăn cơm ngon không, tất cả đều bảo ngon, chỉ riêng có một học trò ngập ngừng, sợ không dám nói. Ông cúi xuống ghé tai trò: "Con nói thầm vào tai thầy vậy". Học trò mới mạnh dạn nói: “Cơm ngon nhưng còn hơi ít nên con đói”. Ngay sau đó, có một cô giáo đến xin lỗi và bổ sung cơm cho các trò. Vấn đề ở đây là các cô tưởng học trò lớp dưới thì ăn ít hơn học trò lớp trên chứ cơm không hề thiếu. Ông quan tâm và biết lắng nghe từ những điều tưởng như rất nhỏ, với bất cứ ai. Vì thế, ông luôn gần gũi, ấm áp trong giao tiếp với mọi người.

Nhà giáo Văn Như Cương với học trò vùng cao

Ông sống đẹp, thường nhận thiệt thòi về mình, kể cả những điều liên quan đến uy tín. Khi bị hiểu lầm, thậm chí khi bị một số người “ném đá” (do những quan điểm khác nhau về giáo dục), ông cũng không đôi co như nhiều người khác. Phải có bản lĩnh vững vàng, có niềm tin sâu sắc vào những điều mình làm, và đặc biệt, phải có tấm lòng bao dung thì mới ứng xử được như thế.

Nhà giáo Văn Như Cương là một giáo viên nhưng ảnh hưởng của ông đã vượt ra khỏi lĩnh vực giáo dục, ông đã trở thành một Nhà văn hóa.

 

Bài: TS Hồ Bất Khuất
Thiết kế: Hoàng Bá

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến