...
Tôi thuộc lòng bài thơ "Thăm lúa" và những giai thoại về nhà thơ Trần Hữu Thung từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua giọng đọc, lời kể của các thầy giáo, các nhà thơ tôi hằng ngưỡng mộ như Quang Huy, Phan Sinh Viên.
Lần đầu tiên tôi gặp ông vào dịp cuối năm 1961 tại nhà bà nội tôi. Tôi vừa đi học về chạy xuống thăm bà thì gặp ông Nguyễn Thanh Khầm (con o, con cậu với bà nội tôi) đi cùng một người dáng to khỏe, khuôn mặt chữ điền, cặp lông mày rậm, đôi mắt to và đen đang nheo cười rất tươi. Bà tôi nói: Con chào ông Khầm, chào bác nhà thơ Trần Hữu Thung đi con. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khôn tả vì được gặp nhà thơ nổi tiếng mình hằng ngưỡng mộ. Bấy giờ làng tôi là nơi có phong trào hợp tác hóa, phong trào trồng cây, phong trào làm thủy lợi nổi tiếng ở miền Bắc được Bác Hồ về thăm. Biết ông Nguyễn Thanh Khầm cùng các bạn văn nghệ đang "đi thâm nhập thực tế" ở đây, nên bác Thung lên chơi, được ông Khầm dẫn vào nhà bà nội tôi chơi.
Cho mãi đến những năm 1966 đến 1969, tôi về dạy học ở Thanh Chương, bạn đồng nghiệp Nguyễn Thế Quang dẫn đến gặp thầy Quang Huy thì được tiếp xúc trò chuyện với nhà thơ Trần Hữu Thung nhiều hơn. Những bài thơ đầu tay của tôi như Đất Võ Liệt, Giọng Nghệ... được thầy Quang Huy đưa cho nhà thơ Trần Hữu Thung đọc trước. Khi gặp tôi, nhà thơ Trần Hữu Thung góp ý nhỏ nhẹ, chân tình, tôi thấy như được tiếp thêm niềm cảm hứng nên vừa dạy học, vừa say sưa sáng tác, được bài nào lại sang nhờ các thầy chỉ giáo sửa chữa. Đến giữa năm 1969 tôi được điều động ra Bắc học chính trị để chuẩn bị đi vào chiến trường Nam Bộ, nên không được gặp các nhà thơ tôi hằng kính mến.
Vào chiến trường mấy năm, những đêm nằm trong rừng, giữa mênh mang sông nước Đồng Tháp, bỗng được nghe bài "Anh vẫn hành quân" thơ của Trần Hữu Thung, nhạc Huy Du, lòng rạo rực tôi nói với đồng đội: Mình may mắn được gặp nhà thơ Trần Hữu Thung rồi. Nhất là những lần nghe bài “Anh vẫn hành quân” qua tiếng sáo trúc của nghệ sĩ Đinh Thìn, bài thơ như được chắp cánh làm lay động tâm hồn của một thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Những bài thơ, bản nhạc có sức mạnh tinh thần "như những sư đoàn tinh nhuệ".
Sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1976 tôi về công tác tại Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, từ xóm Phong Toàn (TP. Vinh) tôi lại ra thăm thầy Quang Huy, thăm anh Trần Hữu Thung. Khi có đồng nhuận bút lại rủ nhau ra quán quen uống nước chè chát hoặc ăn "phở bà Vạn, cháo bà Lược, nước bà Thành". Thầy Quang Huy, anh Trần Hữu Thung lại nhắc tôi tiếp tục làm thơ viết văn. Có hai lần tôi được mời đi tham dự hai sự kiện văn học. Đó là năm 1978, nhà thơ Thạch Quỳ in bài thơ "Nói với con" - bài thơ gây xôn xao dư luận. Bấy giờ ở Vinh có tổ chức cuộc họp trao đổi về bài thơ này. Tôi được lãnh đạo ban cử đi dự. Lại gặp anh Thung, thầy Quang Huy. Hội nghị có nhiều ý kiến khá sôi nổi, có lúc căng thẳng nhưng khi anh Thung phát biểu, với giọng nhỏ nhẹ, khúc chiết vừa giản dị, vừa uyên bác tôi thấy hội nghị như chùng xuống, như quả bóng được xì hơi, rồi chủ tọa kết luận, hội nghị giải tán. Sau đó, dư luận còn râm ran lăn tăn, nhưng nhà thơ Thạch Quỳ không hề hấn gì.
Sự kiện thứ 2 là lần Tỉnh ủy mời nhà thơ Trần Hữu Thung về thông qua góp ý kiến về bản thảo kịch bản phim "Ngày ấy bên sông Lam". Lần này tỉnh mời anh cùng nhà văn Xuân Tùng về Nhà khách Tỉnh ủy ăn nghỉ. Tôi và anh Bùi Ngọc Tam (ở tổ 1930 - 1945), được phân công tham dự góp ý. Xô viết Nghệ Tĩnh là một đề tài lớn, các nhà văn Hoàng Ngọc Anh, Minh Huệ, Bá Dũng, Nguyễn Trung Phong và nhiều người đã có tác phẩm về đề tài này. Tôi được phát một tập bản thảo đọc trước mấy ngày. Sau đó được nghe anh Trần Hữu Thung, anh Xuân Tùng thay nhau đọc hết gần 200 trang bản thảo. Trời nắng như nung, chỉ có mấy cái quạt nhỏ, các anh đọc toát mồ hôi hột. Cứ hết một chương lại dừng lại trao đổi góp ý, hội nghị kéo dài cả tuần. Đến ngày cuối, tỉnh mời xuống Cửa Lò liên hoan. Bác Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế xuống dự và trao quà cho các tác giả. Mấy tháng sau kịch bản được dựng thành phim có đem về chiếu ra mắt ở hội trường Tỉnh ủy, tôi đến sau thấy anh Trần Hữu Thung ngồi hàng ghế đầu với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Sau này tôi được biết kịch bản phim “Ngày ấy bên bờ sông Lam” của Trần Hữu Thung là tác phẩm có chất lượng nổi trội nhất trong tất cả các tác phẩm viết về đề tài Xô viết Nghệ Tĩnh.
Từ năm 1985 tôi được chuyển về công tác tại Huyện ủy Yên Thành và được phân công viết Lịch sử huyện Yên Thành. Nhờ nhà thơ Cảnh Nguyên bấy giờ là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh hướng dẫn mách nước, tôi đã đề nghị lãnh đạo huyện nhờ nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà thơ Lê Quốc Ân giúp huyện đi khảo sát dịch thuật các di tích lịch sử về các sự kiện nhân vật trong huyện. Tôi xuống Diễn Châu đem thư của Bí thư Huyện ủy nhờ anh "giúp huyện, giúp em" thu thập dịch thuật tư liệu Lịch sử Yên Thành. Anh nói: Mình cũng đang viết Lịch sử Địa chí Diễn Châu, viết Từ điển tiếng Nghệ... bận lắm nhưng huyện nhờ, nơi tình nghĩa không thể chối từ được.
Thế là từ năm 1985 đến năm 1990, trong 5 năm, năm nào anh Trần Hữu Thung cũng lên Yên Thành dăm bảy lần, có lần ở vài tuần, có lần hơn. Chúng tôi đưa anh đi hầu khắp các di tích lịch sử trong huyện. Những di tích ở xa như Đô Thành, Phúc Thành, Mỹ Thành thì đi ô tô, còn những nơi gần thì đi xe đạp. Thường cứ sáng đi chiều về, trưa tiện đâu ăn đó. Đêm về nghỉ tại nhà khách. Nói là nghỉ, nhưng đêm nào khoảng 9h khi tôi đem rượu lạc ra thấy các bác còn thức làm việc thâu đêm. Đi theo anh Thung về làng Xuân Tiêu, đến nhà ông Phan Duy Huệ, nơi tổ chức hội nghị lập Ủy ban lâm thời huyện ngày 23/8/1945 để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25 /8/1945, anh nhắc tôi đến nhà thờ họ Phan, đến nhà của nhà thơ Phan Khắc Khoan. Anh nói, nhà thơ Phan Khắc Khoan là đại diện hiếm hoi của Nghệ An trong phong trào thơ mới, rồi anh kể chuyện nhà thơ Phan Khắc Khoan cùng ông và 25 nhà văn nhà thơ Việt Nam dự Đại hội sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Rồi ông đọc bài thơ Phan Khắc Khoan tặng tướng Nguyễn Sơn. Ông dặn: Khi viết xong lịch sử huyện, cậu nên làm tuyển tập thơ văn huyện để giữ lại những tinh hoa văn hóa cho con cháu.
Lên di tích Tướng quân Nguyễn Vĩnh Lộc ở Trang Niên, Mỹ Thành, sau khi vào nhà thờ chép đại tự câu đối, anh Thung nói tôi cùng đi lên Tràng Kè. Khi lên đến giữa truông anh dừng lại, thủ thỉ: Năm 1950 mình đang mần ở Văn nghệ Liên Khu 4 cùng Hoàng Trung Thông, cơ quan ở làng Đông Bích, trong một lần dự đám cưới mình ứng tác bài thơ "Thăm lúa nhớ chồng" rồi đọc ngay trong đám cưới. Sau đó, chữa lại bỏ 2 chữ "nhớ chồng" rồi được chép tay, in li-tô gửi đi các nơi và được nhiều người thuộc. Có lần mình đi từ Đô Lương về nhà đến giữa truông ni thì gặp hai thanh niên từ trong bụi ra chắn đường. Hồi ấy, nơi đây hoang vu lại ở giữa địa phận hai huyện Đô Lương - Yên Thành, bọn cướp thường ra trấn lột khách qua đường. Bữa đó mình đem cái ba lô bỏ mấy quyển sách và bó chè xanh. Hai thằng lục ba lô chỉ thấy mấy quyển sách và mấy nghìn bạc, khi chúng lục đến giấy đi đường một đứa hỏi: Bác là Trần Hữu Thung à? Bác là tác giả bài thơ "Thăm lúa" à?, mình: Ầy. Một đứa nói: Nhà thơ mà cũng nghèo hầy, thôi bác lên xe về đi...
Đến nhà thờ họ Vương ở làng Xuân Đào nơi có cụ Vương Thức, tự tổ chức nghĩa binh gọi là "Xuân nghĩa hộ " theo cụ Nghè Ôn chống Pháp, trong bữa cơm với ông Vương Truyền - Bí thư Đảng ủy cũng là con cháu cụ Vương Thức, anh Thung nói: Làng Xuân Đào ngày trước còn nổi tiếng có tục tảo hôn, con trai con gái cưới sớm 13, 14 tuổi và đẻ nhiều con, nhưng cũng có nhiều con trai yêu nước đi tòng quân cứu nước. Đến Phú Ninh, Khánh Thành vào làng quê xưa của Thám hoa Phan Thúc Trực, nhìn di tích thờ tự bị đổ nát, tôi thấy anh đứng trầm ngâm rồi anh kể những giai thoại về Phan Thúc Trực. Khi về làng Quỳ Lăng thăm đình Sừng, thăm rừng lim cổ thụ nơi mùa hè năm 1967, anh cùng các nhà thơ Minh Huệ, nhà văn Bùi Hiển và các văn nghệ sĩ gạo cội của Nghệ An mở Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An.
Về Hoa Thành vào di tích đình Bảo Lâm, vào nhà thờ Thám hoa Phan Duy Thực, nhà thờ Thám hoa Phan Tất Thông, nhà thờ Chu Trạc, nhà thờ Phan Đăng Lưu... hầu như ở di tích nào anh Trần Hữu Thung cũng có những phát hiện mới. Anh nhắc tôi lục tìm tư liệu tiếng Pháp về Chu Trạc để ông dịch thuật. Những hôm rảnh việc anh lại rủ tôi về Kẻ Ngòi, Tăng Thành, về Kẻ Sàng, Đức Thành thăm những gia đình mà ông cùng Hội Văn nghệ tỉnh đã nương náu những năm cơ quan sơ tán về đây, ông nhớ tên từng ông bạn thợ săn ở Kẻ Sàng, những ông bạn chăng lưới thả câu ở Kẻ Ngòi. Anh còn nhớ làng nào có đô vật giỏi, khu rừng nào có nhiều khoai mài. Đi trên đường 33, ông nhắc lại kỷ niệm có lần đi từ Diễn Minh sang Nhân Thành, đường trơn bùn lầy phải vác xe đạp trên vai vừa đi, vừa bò, rồi anh ứng tác mấy câu: Con đường tên gọi ba ba/ Thật là ba bị thật là ba quai/ Khen cho ai đó cũng tài/ Đường xa xe đạp vác vai mà trườn.
Rồi anh Thung kể chuyện những năm ở Yên Thành ông đã cùng ông Nguyễn Bá Tờn - Chủ tịch huyện tổ chức đợt sáng tác cho anh em văn nghệ trong và ngoài huyện ra được tập sách “Lời của lúa”. Anh Thung kể chuyện, hồi ấy huyện Yên Thành có đội văn nghệ xung kích mạnh lắm, đã dàn dựng nhiều chương trình dự Đại hội Quân khu. Anh kể có lần sau lụt đi trên đường 38, thấy nước lũ làm đứt nhiều đoạn, mình ứng tác mấy câu: Huyện thì tên gọi huyện Yên/ Mà đường chỉ thấy xuống lên gập ghềnh/ Huyện thì tên gọi là Thành/ Mà đường chỉ thấy những quanh cùng bò/ Cá đồng chợ Rộc cứ kho/ Nghe đâu huyện sắp lệnh cho sửa đường. Mình viết nhắc khéo, nào ngờ hai hôm sau, anh Nguyễn Bá Tờn sang chơi và nói huyện xin tiếp thu và mở hội nghị phát động chiến dịch làm giao thông nông thôn hàng năm.
Giúp huyện Yên Thành nhiều đợt hàng tháng trời, nhưng mỗi lúc gửi tiền bồi dưỡng, anh Trần Hữu Thung đều không nhận nên lãnh đạo huyện giao cho tôi đưa xuống tận nhà trao cho chị Phương. Lần xuống làng Trung Phường thấy anh đang làm nhà, nghe chị Phương nói thiếu vật liệu tôi về xin ý kiến lãnh đạo huyện bố trí người về Vĩnh Tuy chở xuống cho anh. Khi ba xe bò lốp chở vôi xuống, nghe anh Nguyễn Trung Phong nói bữa trước thiếu, nhưng nay bà con Diễn Bình chở sang cho rồi. Anh Thung nói ta cho xóm sửa sân trụ sở.
Có lần tôi cùng các anh Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Công Hiên xuống anh Thung chơi, tôi đem một bi đông rượu, qua chợ Hợp Thành mua chục con chim đồng. Khi đi đến ngã ba Phủ Diễn thì công an ra thổi còi giữ xe. Tôi dừng xe đưa giấy tờ và nói rõ chúng tôi ở Yên Thành xuống chơi nhà anh Trần Hữu Thung xin các anh cho đi. Anh công an giao thông nhìn bộ dạng ba chúng tôi rồi nói: Các bác đi thăm chơi nhà thơ Trần Hữu Thung thì mời các bác đi nhưng lần sau đừng tải ba. Ba chúng tôi "thoát nạn", nhanh chóng về nhà anh Thung. Đến nhà thấy anh còn cặm cụi viết địa chí huyện. Anh nói: Mình làm hòm hòm rồi, đang định phối hợp với anh Ninh Viết Giao, bổ sung thêm phần Văn học dân gian, nhờ Võ Văn Trực, Lê Thái Sơn, Thái Doãn Chất, Đặng Quang Liễn, Nguyễn Nghĩa Nguyên bổ sung thêm phần Văn hóa làng xã, rồi mới trình huyện hội thảo in ấn. Tôi nói khi nào sách ra anh cho em xin vài cuốn. Nào ngờ khi huyện đồng ý in ấn, ngày thông qua bản thảo anh đã gửi cho tôi 1 bản, ngày ra mắt sách tôi cũng được mời xuống dự họp và được tặng quà. Sách DIỄN CHÂU ĐỊA CHÍ VĂN HÓA VÀ LÀNG XÃ dày dặn bề thế, ngồn ngộn kiến thức khoa học tổng hợp như là một cuốn bách khoa thư về một vùng đất có hơn nghìn năm lịch sử. Sách đề Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao đồng chủ biên có sự cộng tác của người khác, nhưng công đầu thuộc về Trần Hữu Thung. Tập Địa chí này mở đầu và như là khuôn mẫu cho những tập địa chí khác của các huyện, các xã. Sau này khi thống kê hơn 20 đầu sách của Trần Hữu Thung, tôi thấy người ta nhắc đến "Thăm lúa", "Anh vẫn hành quân", “những viên ngọc của thời đại" (chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), vì những tác phẩm này nói lên khát vọng của nhân dân, của dân tộc và thời đại, nhắc đến những tập thơ đồ sộ 3.000 câu như tập GIÓ NAM, nhắc đến các công trình "Chuyện trạng Xứ Nghệ", "Ca dao về Bác Hồ", "Từ điển tiếng Nghệ" (đồng biên soạn với Thái Kim Đỉnh)... Gần gũi với Trần Hữu Thung nhiều năm, được đọc nhiều bài viết về Trần Hữu Thung, nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa lớn, một nhân cách lớn, một CON NGƯỜI (chữ dùng của Nguyễn Quang Thiều), tôi vẫn rất tâm đắc với nhận xét của nhà văn Nguyễn Thế Quang: Trần Hữu Thung là một người giản dị mà uyên bác. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa lớn, một Người Nghệ.
Nhà thơ Xuân Diệu cũng từng đánh giá: “Theo mình, trong lớp thi sĩ mới từ sau Cách mạng tháng Tám, Thung đã có chỗ hẳn hoi, duy nhất. Nên luôn cố gắng, chân tâm làm thi sĩ, Thung sẽ cống hiến được một cái gì đó cho thơ Việt Nam...”. Còn nhà thơ Bùi Hiển thì cho rằng đó là “Nhà thơ nông dân”!
Trần Hữu Thung được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001; Huy chương Vàng, Giải thưởng thơ tại Liên hoan thanh niên thế giới năm 1953, "Thăm lúa"; Giải Khuyến khích Giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952 về thơ cho tác phẩm Hai Tộ hò khoan; Giải Nhì Giải thưởng văn nghệ 1954 - 1955 về thơ cho 2 tập Đồng tháng Tám và Dặn con…
Ngô Đức Tiến