Nhớ về một bác sỹ người Nghệ

bs-nguyen-minh-hong--a1.png

Chàng Tây ở miền Tây xứ Nghệ

bs-nguyen-minh-hong--a2.png
bs-nguyen-minh-hong--tit1.png

Tôi biết đến ông chỉ đơn giản là người thầy thuốc xuất hiện thường xuyên trong chuyên mục Tư vấn sức khỏe, trả lời thư của khán giả trên Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An (NTV), còn “nghe nói” về ông thì nhiều, kể cả thông tin trái chiều. Tháng 5/2013, Giám đốc NTV khi ấy là anh Nguyễn Như Khôi giao cho tôi làm bộ phim về bác sĩ Minh Hồng. Khi đó, ông đã bị ung thư giai đoạn cuối. Thật lòng tôi không thích đề tài này, bởi tôi chưa hiểu gì về ông, cũng gần như không có dịp được tiếp xúc trong cả chục năm ông gắn bó với NTV. Trong khi đó, có một số thông tin ngoài lề làm tôi lo lắng. Ông là một bác sĩ, một đại biểu Quốc hội, một Giám đốc thành đạt và một tấm lòng thiện nguyện dành cho quê hương, nhưng cũng có người nói về ông như một người ham danh, tằn tiện, khó tính. Chỉ đến khi gặp ông, nghe ông chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, những điều trăn trở, tôi đã nhận ra: Đằng sau con người ấy, điều mà ít người được biết, chính là câu chuyện cuộc đời với rất nhiều nỗi đa mang. Sự đa mang đưa đến cho ông ít nhiều điều tiếng, nhưng cũng chính nó đã giúp ông tìm được giá trị thực sự của cuộc đời: “Làm những việc chưa ai nghĩ. Dám hy sinh vì điều mình cho là đúng”. Đó là con người thực của ông - một bác sĩ đậm tính cách Nghệ.

bs-nguyen-minh-hong--a3.png

Trong căn phòng nhỏ giản đơn và tĩnh lặng giữa Thủ đô, nơi nghỉ ngơi, làm việc cũng là phòng điều trị cho bệnh nhân ung thư, chúng tôi đã dành cả một ngày chỉ để ngồi nói chuyện. Để ghi hình phỏng vấn, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian lên đèn, bố trí máy quay, chỗ ngồi. Ông yếu đi nhiều, ngồi lâu sẽ mệt, nhưng vẫn rất hợp tác, dù nhiều lúc trán ông lấm tấm mồ hôi. Và từ những câu chuyện nhỏ ông chia sẻ, đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi.

Mới 8 tháng tuổi đã mồ côi mẹ, đó cũng chính là những ngày tháng đói khổ nhất của làng quê nghèo ở xã miền núi Thanh Lâm, huyện Thanh Chương. Bố ông - đồng chí Nguyễn Văn Thân, thường biền biệt xa nhà để hoạt động cách mạng. Lúc lên 8 tuổi, bố ông cũng vĩnh viễn ra đi do trọng bệnh. Trong vô vàn gian khó, cậu bé mồ côi ấy đã lớn lên bằng tình yêu thương của người bà đã trên 80 tuổi, nhờ vào những củ sắn, củ khoai, sự đùm bọc, cưu mang của anh em họ hàng, những láng giềng tuy nghèo về cái ăn, cái mặc, nhưng giàu lòng nhân ái. Hoàn cảnh không cho phép được theo học đủ đầy như nhiều bạn cùng trang lứa, 17 tuổi ông đăng ký nhập ngũ. Tự học bổ túc về văn hóa, được đơn vị xét cho đi học y tá, ông đã phấn đấu không mệt mỏi để học tiếp thành y sĩ, rồi trở thành bác sĩ tại Bệnh viện Quân đội 354 ở Thủ đô Hà Nội.

lanh-dao-tinh-nghe-an-tham-bac-si-nguyen-minh-hong-dang-dieu-tri-benh-tai-gia-dinh-thang-6-2013.jpg

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm bác sĩ Nguyễn Minh Hồng đang điều trị bệnh tại gia đình (tháng 6/2013)

bs-nguyen-minh-hong--tit2.png

Cuộc sống ngày càng phát triển, ngành y tế cũng bắt đầu có thêm những nhu cầu mới. Trong quá trình công tác, ông bắt đầu nhận ra những bất cập của ngành y trong thời kỳ bao cấp: Tại sao không có một cơ chế để người bệnh có thể tìm được thuốc chữa bệnh, gặp được thầy thuốc giỏi, tiếp cận được các thiết bị y tế hiện đại? Tại sao người bệnh ở ngay sát bệnh viện Trung ương mà vẫn phải đi vòng vèo hàng chục cây số chỉ để khám đúng tuyến? Nhiều năm trăn trở, bác sĩ Minh Hồng nuôi quyết tâm mở bằng được một trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo ông, ở đó, bác sĩ và người bệnh, giữa bên phục vụ và người cần phục vụ đều thỏa mãn được nhu cầu của mình. Đó là những ngày tháng mà nhiều đồng nghiệp, người thân đều cho rằng những trăn trở của ông là lo chuyện bao đồng. Ý định của ông bị phản đối mạnh mẽ. Có người còn cho rằng “Đảng viên mà như vậy là người xấu”, nhất là ông còn là Bí thư chi bộ.

bs-nguyen-minh-hong--a4.png

lanh-dao-ntv-tang-bac-si-minh-hong-buc-truong.jpg

Lãnh đạo NTV tặng bác sĩ Minh Hồng bức trướng: Cộng tác thực hiện chương trình “Sức khoẻ của bạn”, từ 2003 - 2013

Sau nhiều day dứt, ông đã phải đi đến một quyết định khó khăn, mà về sau này người ta gọi quyết định của ông là “đi trước cơ chế”: ông nghỉ làm ở bệnh viện để thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Dù phía trước là nhiều chông gai, ngoảnh phía sau là những đàm tiếu, thị phi của dư luận, động lực duy nhất để bác sĩ Nguyễn Minh Hồng quyết tâm thực hiện ý định của mình là ông rất tin: mình đã đúng. Vượt lên những rào cản của dư luận, sự can ngăn của bạn bè, cuối năm 1989, “Trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu” ở số 28B – Điện Biên Phủ - Hà Nội đã ra đời. Đó là những ngày tháng gian nan mà ông cùng với một số giáo sư, bác sĩ cùng chí hướng đã phải “lách luật, xé rào” để làm một việc táo bạo chưa từng có ở Việt Nam. Ít ai có thể ngờ, từ một quyết định có vẻ gàn dở ấy, 4 năm sau, tháng 9/1993, Pháp lệnh về Hành nghề y, dược tư nhân đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Mô hình phòng khám tư nhân của bác sĩ Minh Hồng sau một quá trình sinh nở gian nan, đã trở thành mô hình chung được nhân rộng ra cả nước và cũng là tiền đề của xã hội hóa y tế sau này.

Ở bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, dường như là hai con người: mâu thuẫn mà vô cùng thống nhất. Một vẻ ngoài điềm tĩnh, nho nhã của người thầy thuốc, nhưng lại chứa một nội tâm mãnh liệt, với nhiều ý tưởng táo bạo, những quyết định dứt khoát, sẵn sàng hi sinh tất cả vì niềm tin, vì lẽ phải. Dường như đó là cốt cách, là tinh thần “rất Nghệ” của ông. Năm 2007, nhiều người lại thấy ông bác sĩ, Giám đốc Nguyễn Minh Hồng đăng đàn, tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội. Người khen, người chê, dư luận cũng có nhiều luồng ý kiến. Chỉ riêng ông, bình thản với quyết tâm làm cái việc mà mình cho là “đúng và cần thiết”. Ông cho rằng: chỉ khi là đại biểu Quốc hội, ông sẽ có cơ hội để bảo vệ cái đúng, là tiếng nói đại diện cho quyền lợi của người dân. Với tâm nguyện đó, bác sĩ Nguyễn Minh Hồng một lần nữa lại trở thành hiện tượng đặc biệt khi là người trúng cử duy nhất trong những người tự ứng cử ở Quốc hội khóa 12. Ở Quốc hội khóa 13, ông cũng tự ứng cử và trúng cử với số phiếu rất cao. Có trách nhiệm với lời hứa của mình trước cử tri, những trăn trở của ông được đánh giá là sâu sắc và có nhiều đề xuất hiệu quả như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh, chính sách cho người có công với cách mạng và ký túc xá cho sinh viên…

thu-tuong-chinh-phu-nguyen-xuan-phu-va-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-trao-tang-danh-hieu-cao-quy-anh-hung-lao-dong-trong-thoi-ky-doi-moi-cho-bac-si.jpg

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho bác sĩ Nguyễn Minh Hồng. (Ảnh: NSNA Trần Duy Ngoãn)

bs-nguyen-minh-hong--tit3.png
Rời xa quê hương khi còn là một thanh niên sức vóc và tràn đầy chí hướng, cho đến những năm tháng cuối đời, sâu thẳm trong trái tim ông vẫn là những khoảng lặng tha thiết dành trọn cho quê hương. Khi chia sẻ về quê hương, ông đã khóc. Ông tâm sự: rất nhiều điều còn đau đáu, chưa “trả nghĩa” được cho quê nhà.

Người ta nói: một trong những phẩm chất điển hình của người Nghệ là sự cần kiệm, thậm chí chắt lót, tằn tiện đến mức “cá gỗ”. Bạn bè và gia đình cũng đã quen thấy ở bác sĩ Nguyễn Minh Hồng hình ảnh một người Nghệ điển hình: cẩn thận, chặt chẽ và tiết kiệm. Nhưng, con người sống có phần khắc kỷ đó lại có một tấm lòng nhân hậu, bao dung và hết sức phóng khoáng vì người nghèo. Người ta vẫn thấy ông chi tiêu hết sức tằn tiện đối với bản thân mình, nhưng lại sẵn sàng hào phóng quyết định dành tặng hàng triệu đồng trong thoáng chốc, chỉ vì cảm thương cho những số phận éo le, những cảnh đời lam lũ, những làng quê còn nghèo khó. Ông nói: “Thuở nhỏ tôi là trẻ mồ côi, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, nay được ăn no, sống đầy đủ như thế này là tôi thấy thỏa mãn rồi. Tôi hiểu niềm vui khi được ai đó cho một món quà, cho một lóng mía, củ khoai. Chính vì vậy, khi dành dụm được một ít, tôi thích được san sẻ với mọi người. Đó là niềm hạnh phúc của tôi”

bs-nguyen-minh-hong--a5.png

Thôn Triều Long quê ông - từ 60 năm trước, ông đã được những người hàng xóm tốt bụng sẻ chia cho củ khoai, củ sắn để bớt đói lòng. Nay, ông đã đầu tư xây mới một cây cầu kiên cố. Ông còn là nhà thiết kế xây thêm một đập thủy nông phía dưới chân cầu để ngăn nước tưới tiêu cho hàng chục ha ruộng lúa của bà con… Chứng kiến những cậu học sinh nghèo hiếu học, ngày ngày đến lớp trong những phòng học chật chội, xập xệ được xây bằng đá ong từ mấy chục năm trước, năm 2001, ông đã đầu tư xây mới ngôi trường hai tầng khang trang với 24 phòng học kiên cố. Xã miền núi Thanh Lâm ngày ấy trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Thanh Chương có trường học cao tầng.

Hàng chục năm, từ những ngày chưa phải là một doanh nghiệp thành đạt, những đồng tiền tích cóp được, ông lại âm thầm, lặng lẽ dành tặng cho quê hương. Hàng tỷ đồng do ông chắt chiu, cần kiệm trong bao nhiêu năm tháng đã lần lượt biến thành những công trình dân sinh có ý nghĩa thiết thực. Đó là những cây cầu, là đập giữ nước, trường học, trang thiết bị cho trạm y tế, bưu điện văn hóa xã, đường giao thông, hội trường câu lạc bộ khoa học kỹ thuật huyện Thanh Chương; đó là biết bao ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sổ tiết kiệm, áo ấm tặng các cụ già, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó...

bac-si-nguyen-minh-hong-trao-mon-qua-trang-thiet-bi-cho-cac-tram-y-te--xa-trong-tinh-tri-gia-1-ty-300-trieu-dong.jpg
Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng trao món quà trang thiết bị cho các trạm Y tế xã trong tỉnh trị giá 1 tỷ 300 triệu đồng, đây là lần trao quà cuối cùng (01/10/2012) cho tỉnh Nghệ An trước khi ông qua đời. (Ảnh: NSNA Trần Duy Ngoãn)
bs-nguyen-minh-hong--a6.png

Có lần anh Nguyễn Như Khôi, lúc đó là Giám đốc NTV tới thăm ông và chia sẻ về việc lãnh đạo Đài đang làm đề án phát triển Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An ngang tầm đài khu vực. Lúc ấy, đang trên giường bệnh, ông nhỏ nhẹ: Các anh cho bác sĩ Hồng được đóng góp một chút nhỏ, gọi là tấm lòng. Anh Nguyễn Như Khôi thành tâm: Cám ơn tấm lòng của anh, đợi lúc nào anh khỏe ta hãy tính chuyện này, bây giờ việc quan trọng nhất là sức khỏe của anh.

Ngay sau ngày giỗ đầu của ông, anh Nguyễn Minh Sơn, con trai cả của ông bày tỏ với Ban Giám đốc NTV về nguyện vọng của gia đình được thực hiện mong muốn trước đó của bác sĩ Minh Hồng. Sau khi xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, một trường quay mới của NTV đã được khẩn trương xây lắp với mức đầu tư 1,5 tỷ đồng, đó là Studio Minh Hồng. Đây có lẽ là trường quay đầu tiên trong hệ thống Phát thanh - Truyền hình cả nước mang tên riêng một con người.

khanh-thanh-studio-minh-hong-tai-dai-phat-thanh---truyen-hinh-nghe-an.jpg

Khánh thành studio Minh Hồng tại Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An

Ngày làm hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An thống kê được nhiều năm qua, ông đã gom góp dành tặng cho quê nhà, cho những cảnh nghèo trên nhiều địa phương với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Đối với ông, sự giúp đỡ không đơn thuần là vật chất, mà còn là tình cảm, sự trân trọng đối với quê hương, là sự tiếp thêm niềm tin, nỗ lực vượt khó cho bao phận nghèo. Chỉ một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhiều phận đời côi cút được ông dang rộng vòng tay chở che, nuôi nấng cho đến tuổi trưởng thành. Ông đã trở thành người bố đỡ đầu cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường. Nhiều em đã vào Đại học, Cao đẳng, tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định.

Đã hơn 7 năm kể từ ngày bác sĩ Nguyễn Minh Hồng đi xa, rất nhiều đóng góp âm thầm của ông đến bây giờ vẫn phát huy hiệu quả, mọi người vẫn luôn nhớ về ông. Với tôi, điều đọng lại sau những lần gặp gỡ ngắn ngủi cuối cùng đó là một bác sĩ tận tâm với nghề; một tấm lòng nhân ái với đời; một trái tim luôn hướng về quê hương bằng tất cả tấm lòng thủy chung, trong sáng nhất.

Ngọc Anh

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến