Người hai lần “giải cứu” cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Có một người, bằng nhân cách, trí tuệ, lối sống của mình, đã trở thành một trong năm người có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (1). Dưới đây là những gì mà tôi - nhà văn Bùi Tuyết Mai - may mắn được nghe và ghi lại những gì về nhà thơ Nông Quốc Chấn, do nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ kể lại.

Tự nhiên anh Chấn và tôi rất quý nhau. Các cụ ta thường nói hữu xạ tự nhiên hương! Anh Chấn sinh năm 1923, gốc gác người Tày ở mãi tận bản Nà Cọt, mạn Cốc Đán thuộc châu Ngân Sơn xưa. Tôi sinh năm 1936, người Kinh, quê cũng tít mãi ở làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, vùng huyện Thanh Chương, xứ Nghệ. Anh Chấn hơn tôi chừng trên một con giáp, nhưng hai anh em tôi có điểm khá tương đồng. Tuy hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi ham học và quyết chí vượt mọi khó khăn để sáng tác và do có cái duyên văn nghệ mà trên bước đường công tác được may mắn gặp nhau trong đời.

Nông Quốc Chấn - Con người sinh ra và lớn lên ở Núi Hoa - Phja Bjoóc ấy, chừng tuổi thập tam, thập lục đã tỏ rõ là người thông minh, có trí nhớ tốt lại ham học và có uy tín trong vùng.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923 - 2002)

Mấy anh em nhà anh lúc bấy giờ tuy còn nhỏ tuổi mà đã làm được thầy Tào, giúp cho bà con người dân tộc Tày trong vùng thực hiện các thủ tục thuộc về nghi lễ vòng đời. Do giặc giã đàn áp, bắn giết gây tội ác khắp châu vùng, tất cả mấy anh em nhà anh do căm thù giặc mà đều đã tham gia Cách mạng từ rất sớm. Trước cách mạng Tháng Tám một năm, ông anh cả Nông Văn Noạn bị bắt, sau được ra tù lại đi hoạt động tiếp. Ông anh thứ hai Nông Văn Bọc làm thầy, cũng bị địch lùng bắt ráo riết, đem giam rồi bắn chết. Sau khi tôi vào bộ đội giải phóng quân của châu Ngân Sơn, Nông Viết Toại em trai tôi cũng bí mật trốn vào rừng theo Cách mạng.

Tôi quý trọng anh Chấn vì anh là người cán bộ dân tộc Tày chân thành, trong sáng, trung thực và nhiều khả năng thi ca. Chính lòng yêu cuộc sống quê hương bản quán cùng với khát vọng vươn tới sự đổi đời cho quê nhà có một cuộc sống độc lập trong hòa bình ở anh đã chắp cho anh một ý chí theo Việt Minh làm cách mạng đến cùng. Thơ của anh là tiếng vọng của hằng hà kỷ niệm đằm sâu trong hơi gió của núi rừng Việt Bắc: Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa thu đã hết rồi…(Bài thơ Khâu áo).   

Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi hay nói về những kỷ niệm trên đường đi công tác. Anh lặng im nghe tôi kể về những lần tham gia với các lực lượng vũ trang của Khu làm công tác địch vận. Đang say sưa kể đến cái đận đi tiễu phỉ năm ấy, sống chết chỉ cách nhau trong nháy mắt, anh hỏi xen vào:

- Có cả Thào Thị Mỷ cùng đi cơ à? Cô ấy khéo nói, được cả người lẫn nết, anh Tuệ nhỉ!

-  Vâng! Nhớ nhất cái lúc bọn phỉ ra khỏi hang, khèn mang trên vai, súng kẹp nách, chúng vừa kéo nhau xuống, vừa thăm dò động thái của bên ta. Sau khi tin vào lời nói ngọt ngào thấu tình đạt lý của chị Mỷ, ngay tắp lự bỏ súng xuống, nâng khèn lên môi. Bọn phỉ và diễn viên của Đoàn cùng nhập cuộc múa với nhau cả buổi. Có lần còn mổ lợn để làm tiệc rượu liên hoan với nhau nữa!  

- Đúng rồi! Bản chất họ cũng người bà con dân tộc ta cả, chẳng qua lỡ nghe bọn xấu lôi kéo mà làm phỉ thôi! Nghe lời nói phải thì họ quay về với chính nghĩa ngay thôi mà! Cái cô Mỷ ấy mà cất lời nói ngọt thì lọt đến tận xương tủy đấy! Cái đận ấy, tôi có gặp và nghe anh Tô Hoài nhắc đến chị Mỷ, bảo liệu Thào Thị Mỷ đã theo ai? Theo ngọn bút Nguyên Ngọc hay cây đàn Nguyễn Tài Tuệ?!!!

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (đứng) đọc thơ trong lần đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thấy tôi líu lô lối chuyện như con khướu say sưa khoe giọng, tươi rờ rỡ như chùm hoa phặc phiền lúc sương sớm nắng vừa lên (Ấy là anh Chấn bảo thế!), bỗng đỏ mặt luống cuống, ăn nói lắp ba lắp bắp, cử chỉ lúng túng như gà mắc tóc. Anh cả cười, bảo, đấy, anh Tuệ thấy tôi nói trúng không? Âm nhạc hay là âm nhạc thấu trời thấu đất đấy! Cái anh làm được âm nhạc hay thì đích thị đó phải là một người tài! Tôi biết lúc nào trong con người anh cũng có cả một dàn nhạc giao hưởng ở trong đầu, nhá! Huyết quản của anh lúc nào cũng sôi lên sùng sục vì âm nhạc! Cho nên cái ánh mắt tinh, cái đôi tai thính của anh có bao nhiêu “ăng - ten” là nó dỏng hết cả lên mà hứng lấy, nuốt lấy cái đẹp nơi hồn vía âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền để làm ra cái mới thật hơn, đẹp hơn, thiện hơn! Người như anh gặp bóng hồng mà không ngắm thì mới là lạ, nhá!

Qua các cuộc tiếp xúc, tôi càng có tình cảm đặc biệt với con người có nhân cách đặc biệt này. Tôi nhận ra Nhà thơ Nông Quốc Chấn là một nhà lãnh đạo văn hóa có tầm nhìn. Trong lòng tôi, anh đã là một người anh gần gũi ruột thịt và khiến tôi luôn cảm thấy vững dạ. Sau này, anh cũng chính là người đưa ra chính kiến bảo vệ các tác phẩm của tôi và chủ sở hữu tác phẩm (Nguyễn Tài Tuệ) thoát khỏi vòng cương tỏa của nhận thức hạn hẹp do hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ. Nhờ thế, cái anh nhạc sĩ sáng tác trong tôi không còn bị vướng vít trong đầu bởi những rào cản nữa, con tằm ấy suốt một đời được yên dạ, chuyên tâm rút ruột mà nhả tơ, thỏa sức sáng tạo những bài ca trữ tình hướng về chân - thiện - mỹ. Có được một người anh tri âm, tri kỷ như thế, với tôi chính là một điều kiện rất quan trọng để tôi có động lực chịu đựng những thử thách khắc nghiệt từ nhiều phía trong bước đường kiến tạo các giá trị mới. Trong đó, thành kiến là một trong những rào cản buộc văn nghệ sĩ phải vượt qua, là thử thách lâu dài đối với bản lĩnh của họ. Sự thấu hiểu của Nhà thơ Nông Quốc Chấn đối với tôi đã giúp tôi cảm giác về bản thân rõ hơn, từng bước tự biết chính mình và củng cố ý chí, nghị lực nhằm sáng tạo được những tác phẩm âm nhạc minh chứng cho lẽ sống của một người nghệ sĩ ít nhiều thấu triệt được triết lý của một đời người, nhất là đối với một cuộc đời sáng tác: “Không có kiệt tác là không có gì!”…

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông

Những năm 1958-1959, Nhà thơ Nông Quốc Chấn xuất bản và cho ra mắt tập thơ Tiếng ca người Việt Bắc, cũng cùng thời gian đó, cùng với anh Chấn, tôi đóng góp cho miền núi Đông Bắc bộ ba tác phẩm tạo thế chân vạc vững chãi: Hợp xướng Xuân về trên bản, ca khúc Lời ca gửi noọng và ca khúc Suối Mường Hum còn chảy mãi. Đồng thời, trong thời gian này, anh Chấn đặc biệt ưu ái làm lời Tày cho ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của tôi. Điều đó đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Tày - một trong những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta đến công chúng.

Chúng tôi luôn dõi theo những sáng tác của nhau, tuy không có “thi đua ngầm” nhưng mỗi lần gặp nhau hiếm hoi, anh em tôi thường đem sáng tác mới nhất của mình ra trao đổi rất hào hứng. Tôi còn nhớ, lần gặp trong hội diễn năm 1961, anh Chấn đưa cho tôi tập chép tay bản thảo tập thơ Người Núi Hoa của anh viết bằng hai thứ tiếng Tày - Việt, nói là sau khi bài thơ Dọn về làng giành được nhiều ưu ái của thính giả trong nước và nước ngoài, anh đã có nhiều cảm xúc để viết về quê hương của anh và dồn nhiều thời gian tập hợp bản thảo này. Tôi nhiệt thành chúc mừng anh Chấn và đem ca khúc Xa khơi ra khoe với anh. Anh nghe và gật gù khen “Loạt tác phẩm anh Tuệ đã làm đều đứng cả vào hàng tuyệt tác!”. Tôi ngượng ngùng bối rối, ấy chớ, anh nói thế làm em ngại lắm! Anh Chấn nghiêm trang: Anh Tuệ cứ tin vào nhận xét của tôi!

Trong giao lưu và trong xử lý công việc, anh Chấn rất công bằng, tôn trọng khách quan, không một chút riêng tư, bảo vệ lẽ phải đến tận cùng. Có hai lần anh đã đứng hẳn về phía tôi.

2.1. Lần “giải cứu” thứ nhất liên quan đến ca khúc Lời ca gửi noọng

Đây là một ca khúc duyên dáng, trữ tình, giàu gợi cảm, phơi phới thanh xuân và mang âm hưởng dân ca miền núi rẻo cao phía Bắc của Việt Nam. Ca khúc này có cấu trúc ở thể hai đoạn đơn, được phát triển dựa theo dân ca Nùng ở vùng Hà Giang, sau trở thành một bài hát đi cùng năm tháng.

Lần đầu tiên ra mắt ca khúc Lời ca gửi noọng, tôi tự trình bày bài hát trong một hội nghị cấp tỉnh tại Hà Giang, theo đề nghị của anh Nông Quốc Chấn, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Văn hóa Khu Tự trị Việt Bắc. Do có đông đảo đại biểu trong vùng và rất nhiều khách ở nơi khác tham dự hội nghị này thưởng thức và cổ vũ nồng nhiệt, sức lan tỏa của bài hát trở nên nhanh chóng rộng khắp. Ca khúc chẳng khác nào một “cô gái Nùng” xinh đẹp, được nhiều người yêu mến. Phải chăng vì thế, mà “cô” đã gặp phải rất nhiều tai nạn. 

Đầu năm 1959, Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới vì phong trào hòa bình được tổ chức ở Viên (Wiena) Thủ đô nước Áo. Liên hoan này chỉ cho phép trình diễn những tác phẩm âm nhạc mang tính trữ tình. Nước ta lúc bấy giờ cử một đoàn nghệ thuật ca múa nhạc đi tham dự. Ca sĩ Khánh Vân là một thành viên tham gia đoàn nói với tôi là đang thiếu một bài hát đơn ca trữ tình, tìm chưa ra. Tôi thưa với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là có một bài dân ca có thể đáp ứng được yêu cầu ấy và tôi đem “cô gái Nùng” của tôi đến giới thiệu cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ngay lập tức gọi một số cán bộ và ca sĩ Khánh Vân đến. Sau khi nghe tôi hát đi, hát lại hai lần, thật bất ngờ, mọi người cùng vỗ tay khen ngợi. Thế là Lời ca gửi noọng được chọn chính thức vào Chương trình và được giới thiệu là bài dân ca Nùng do Nguyễn Tài Tuệ sưu tầm và dịch lời.

Mùa xuân gọi bạn - Minh Đức | Đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ

Câu chuyện không dừng ở đây. Sau một tháng rưỡi Đoàn đi biểu diễn ở nhiều nước về, Chương trình của Đoàn có bổ sung thêm một số tiết mục ca múa học được từ nhiều nước như Trung Quốc, Liên-xô và một số nước Đông Âu. Nghe nói Chương trình trên sẽ được đem ra báo cáo trước Đảng, Chính phủ sau hai tuần. Đến đây, tôi mới nhận ra sự nguy hiểm cho chính mình vì làm gì có bài dân ca Nùng Lời ca gửi noọng kia! Trước sau gì thì người ta cũng biết đây là một sáng tác mới hoàn toàn, được phát triển từ dân ca Nùng, vì nếu có người đi vào vùng đồng bào Nùng để tìm nghệ nhân hát, tìm bài dân ca sẽ chẳng thể nào tìm thấy. Bởi vì âm hưởng dân ca Nùng trong Lời ca gửi noọng đã được phát triển lên rất cao, “cô gái Nùng” đã bỏ xa lớp vỏ đơn giản của dân ca mà tiến rất xa rồi! Sự thật này, tôi thấy cần phải lý giải cặn kẽ với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để đề phòng rắc rối. Nghe tôi trình bày xong, anh Phước ngạc nhiên, rồi bối rối. Sau khi mắng tôi đôi lời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng đã nghĩ ra lối thoát trong lúc đó là từng bước đồng ý để cho giới thiệu tên Nguyễn Tài Tuệ gắn với bài hát, trước mắt là người sưu tầm, cải biên, đặt lời cho dân ca, sau đó từ từ tính tiếp.

Trước đó 2 tuần, ca sĩ Khánh Vân đã giới thiệu Lời ca gửi noọng với tên tuổi Nguyễn Tài Tuệ trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, vì bài hát này khi biểu diễn ở Trung Quốc đã lọt vào một trong số những tiết mục hay, được yêu cầu diễn lại nhiều lần. Trước đó một tuần, ca sĩ Khánh Vân cũng đã hát bài hát này ở câu lạc bộ Thống Nhất, người giới thiệu đã giới thiệu với công chúng rằng, Lời ca gửi noọng là sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ. Ca khúc từ đây được thu đĩa và phổ biến rộng rãi.

Đến đây thì kiếp nạn thực sự đã xảy ra cho “cô gái Nùng” xinh đẹp ấy. Sau khi ca khúc được phổ biến rộng rãi, có lãnh đạo cấp trên đánh giá là ca khúc lạc lõng với thời cuộc. Bởi lúc này đất nước đang có chiến tranh, cần phải ca ngợi công, nông, binh mới đúng. Đằng này, bài hát không chỉ ca ngợi tình yêu đôi lứa mà còn thiếu lành mạnh ở một số đoạn ca từ như “ta tắm chung dòng suối”, “cùng chung mái nhà”, “noọng về cùng ta” v.v.. Hậu quả là bài hát đã bị cấm lưu hành từ  năm 1959.

Mãi đến năm 1961, bài hát mới tạm thời được “cởi trói” nhờ sự ủng hộ của nhà thơ Nông Quốc Chấn và đông đảo anh em văn nghệ sĩ miền núi. Dịp may này đến vào lúc Sở Văn hóa Khu Tự trị Việt Bắc tổ chức Hội diễn nghệ thuật của toàn Khu tại Hà Giang. Sở mời một cán bộ Ban Nghiên cứu âm nhạc dân gian lên cộng tác. Anh Nông Quốc Chấn khi đó là lãnh đạo của Sở đã mời đích danh Nguyễn Tài Tuệ cộng tác để chấm giải. Khi Ban Thư ký hội diễn báo cáo danh sách các đội tham dự kèm theo danh sách tiết mục và diễn viên, thì có tới 5 đội đăng ký bài Lời ca gửi noọng và 4 đội đăng ký bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó. Bài hát về Bác không gặp mắc mớ gì. Ban Thư ký trình với Ban Tổ chức hội diễn, cái khó hiện nay là thuộc về bài Lời ca gửi noọng. Bởi vì, đây là ca khúc có tên trong danh sách những bài hát Trung ương đang cấm lưu hành. Tôi bình tĩnh đứng lên xin Nhà thơ Nông Quốc Chấn và Ban Tổ chức cho rút bài hát Lời ca gửi noọng để phù hợp với yêu cầu của Trung ương, đồng thời đề nghị các đoàn trên cho thay bài để bảo đảm các tiết mục của Hội thi không bị giảm số lượng. Các đoàn nghệ thuật, các ca sĩ, các đội trưởng, già làng cùng kéo nhau lên chất vấn, tại sao lại cấm một ca khúc mà Nhân dân yêu thích đến như thế? Nhà thơ Nông Quốc Chấn lắng nghe, rồi nêu đầy đủ lý do bài hát gây ra khiến cho Bộ Văn hóa bắt buộc phải cấm. Tuy nhiên, các lý do nêu ra không thuyết phục được các già làng, họ chất vấn:

- Kính thưa Nhà thơ Nông Quốc Chấn, khi đi về các bản, anh có “tắm chung dòng suối” với họ không? Anh lấy vợ có “cùng chung mái nhà” với vợ không?

Anh Chấn trả lời:

- Có chứ!

Các nghệ nhân, già làng dồn Nhà thơ Nông Quốc Chấn đến nơi: - Vậy tại sao lại cấm? Bộ không biết thì ta phải giải thích cho Bộ biết chứ! Bộ không chịu thì cho phép chúng tôi xin về!

Nhà thơ Nông Quốc Chấn nhận thấy đây là cơ hội tốt nhất, là thời điểm chín muồi để “giải phóng” cho bài hát. Ông tìm cách trình bày với Bộ về ý kiến thẩm định của quần chúng văn nghệ đối với bài Lời ca gửi noọng như hiện trạng và yêu cầu Bộ Văn hóa cho lưu hành bài hát để bảo đảm sự thành công của Hội diễn. Bộ Văn hóa lúc này đồng ý chấp nhận đề xuất của Nhà thơ Nông Quốc Chấn. Trong lòng vô cùng biết ơn và cảm kích một người Anh của “làng” văn nghệ - Nhà thơ Nông Quốc Chấn - người đã “cởi trói” cho một bản tình ca, cũng là “tháo cũi” cho đôi cánh sáng tạo Nguyễn Tài Tuệ trong những ngày đất nước còn nhiều gian khổ. Bài hát vẫn được cho trình bày tại Hội diễn lần ấy và các đội nhận giải thưởng xứng đáng với nỗ lực luyện tập của họ.

Nhưng sau đó, bài hát lại bị cấm biểu diễn và lưu hành từ năm 1962 cho đến năm 1978  với lý do: “để an toàn cho giới trẻ”! Năm 1979, khi bài Lời ca gửi noọng được “tháo cũi sổ lồng” hẳn hoi và chắc chắn từ đây đã thoát khỏi mọi kiếp nạn, tôi cho người đẹp mang cái tên mới Mùa xuân gọi bạn để cho “y phục xứng kỳ đức”, đồng thời phát biểu trên Tạp chí Toàn cảnh của Bộ Văn hóa về “cô gái Nùng”, đại ý: Con chim họa mi của một vùng biên ải lại tung tăng bay lượn, ca hát líu lo trên bầu trời tự do của nó.

Mùa xuân gọi bạn còn được đưa vào chương trình giảng dạy trung cấp âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội, đoạt giải thưởng Sao Mai của Đài Truyền hình Trung ương và có tên trong Giải thưởng Nhà nước Đợt I cùng với Xa khơi, Xôn xao bến nước

2.2. Lần “giải cứu” thứ hai liên quan đến ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó

Số là ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bị một số người có vị trí cao trong bộ máy quản lý văn hóa nước ta lúc bấy giờ cực lực phản đối, vì họ cho rằng đó là một việc làm bất kính đối với Bác Hồ. Bài hát bị họ lên án mạnh mẽ vì đã lấy âm hưởng loại hình âm nhạc then Tày - một làn điệu âm nhạc dân gian của dân tộc Tày mang tính chất tâm linh để ca ngợi Bác. Là người con của dân tộc Tày, am tường sâu sắc về các giá trị văn hóa của dân tộc mình, lại là một trong những người lãnh đạo văn hóa có trách nhiệm với các văn nghệ sĩ, anh Chấn đã đứng ra bảo vệ sự trong sáng thiêng liêng của giá trị văn hóa dân tộc Tày, trong đó có hát then. Anh Chấn đã cùng tôi chứng minh rằng, chính dân tộc Tày cũng đã ca ngợi Bác, chúc thọ Bác bằng làn điệu hát then truyền thống của mình, và để phổ biến sâu rộng hơn nữa bài hát này trong các dân tộc. Anh Chấn đã trực tiếp phỏng dịch lời bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” ra tiếng Tày một cách hiệu quả.

Dường như đây là lần cuối của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với tuyệt tác Xa khơi

Anh Chấn và tôi đã có nhiều kỷ niệm gắn với bài hát này. Trong một lần hội diễn nghệ thuật tổ chức ở miền núi phía Bắc, có 4 đơn vị, trai, gái hát bằng tiếng Kinh, hát lộ cộ, giai điệu xê dịch, lời nọ lẫn lộn lời kia, ngang ngang lơ lớ. Anh nói với tôi:

- Anh Tuệ à! Các diễn viên người dân tộc thiểu số ở đây yêu bài hát lắm! Có điều, anh chị em diễn viên người Tày ở đây nói Tiếng Việt không êm mượt như tiếng mẹ đẻ!

- Thế thì theo anh, ta nên làm thế nào?

- Mình nghĩ, âm nhạc của bài hát này rất quen thuộc và gần gũi với bà con dân tộc Tày. Chi bằng ta sáng tạo thêm lời ca bằng tiếng Tày nữa! Chắc chắn bài hát còn ở lại lâu dài hơn nữa!

- Anh nói có lý có tình lắm! Làm như thế là phải!

 Thế rồi, nhà thơ Nông Quốc Chấn cùng tôi bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất dịch lời, mô phỏng lời, cho in, cho phổ biến ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bằng song ngữ Tày-Việt! Sau đó, Báo Cao Bằng đã đăng trọn bản phỏng dịch ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bằng tiếng Tày. Bản dịch này đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa dân gian khen là vừa sát ý, vừa giàu chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, lại hợp với màu sắc dân gian của then Tày.

 Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bản tiếng Tày

Bài hát đang lúc được phổ biến rộng rãi, Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần theo yêu cầu thính giả thì lại có chuyện động trời. “Tai nạn” lại xảy ra. Có mấy lá đơn gửi Ban Tuyên giáo, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, nội dung tố cáo Nguyễn Tài Tuệ đã dùng hát then Tày - là một loại hình âm nhạc tâm linh, ma quái, mang tính đồng cốt để viết ca khúc ca ngợi Bác Hồ. Đây xem như là một việc làm bất kính đối với lãnh tụ. Việc làm bất kính này phải đưa ra công luận để phê phán mạnh mẽ và đương nhiên tác giả bài ca này phải chịu kiểm điểm thật sâu sắc!

Trước sự có mặt của Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, cả Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng có mặt lúc đó, tôi trình bày, cách đây mấy tuần vừa tiến hành dịch một bài then ca ngợi Bác Hồ cho tốp ca nữ Đài Tiếng nói Việt Nam hát, bài hát đã được thu thanh và phát. Tôi xin hát cả lời Tày và lời dịch của mình. Nghe tôi hát xong, Nhà thơ Nông Quốc Chấn xác nhận ngay đó là lời then của người Tày vùng Bắc Kạn. Không phải chỉ nơi này mà nhiều nơi cũng có nhiều lời then hát ca ngợi Bác. Then là điệu hát tâm linh, linh thiêng, lời ca là lời thơ đẹp đẽ mang tính ca ngợi tổ tiên, ông bà, ca ngợi những bậc tiền liệt được nhân dân kính yêu, thờ phụng, không có ma quái, đồng cốt nào ở đây cả! Anh Chấn nói rằng, Nguyễn Tài Tuệ đã hát đúng, dịch đúng lời then và viết lên được một bài hát ca ngợi Bác như thế thật đáng khen ngợi. Mọi người lúc bấy giờ mới thở phào. Ban Nghiên cứu Âm nhạc cũng không phải đem Nguyễn Tài Tuệ ra để làm kiểm điểm nữa.

 


(1). Năm người anh có sức ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, gồm có : 1. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, 2. Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Huy Giáp, 3. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, 4. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng, 5. Nhà thơ Nông Quốc Chấn.

 

Bùi Tuyết Mai ghi theo lời kể của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Thiết kế: Hoàng Bá

 

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến