Lan tỏa "Tết vì người nghèo"
P.V: Thưa đồng chí Võ Thị Minh Sinh, chúng ta đang bước vào những ngày cuối cùng của năm cũ Tân Sửu 2021 và chuẩn bị bước sang năm mới Nhâm Dần 2022. Đây cũng là thời điểm, toàn tỉnh đang cùng chung tay, chung sức để chăm lo Tết cho người dân, với mong muốn tất cả mọi người đều có một cái Tết ấm no và hạnh phúc. Vậy, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai những hoạt động này như thế nào và năm nay có những nét mới gì?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Vâng, với thông điệp “Cho đi là còn mãi”, Chương trình “Tết Vì người nghèo” năm Nhâm Dần 2022 đã để lại nhiều cảm xúc trong mỗi chúng ta. Đó là năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid -19 với bao khó khăn, vất vả, nhưng thông qua chương trình chúng ta có kết quả đăng ký ủng hộ lên đến 121 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, một con số mà ngay chính chúng tôi, những người làm công tác Mặt trận vô cùng bất ngờ và cảm kích. Đây chính là con số của niềm tin, của sự sẻ chia và nhân ái, là kết quả là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu tỉnh nhà.
Để có được kết quả đó, ngày 21/12/2021 (tức ngày 18/11 âm lịch), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có Thư kêu gọi ủng hộ người nghèo đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ủy ban MTTQ tỉnh đã gửi Thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy và văn bản của UBND tỉnh tới hơn 700 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa, nhân lên tình thương yêu và lòng nhân ái trong cộng đồng.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 nên quy mô tổ chức năm nay gọn hơn, cách thức tổ chức kêu gọi vận động và kịch bản chương trình cũng đổi mới so với những năm trước, như: khen thưởng trực tiếp ngay tại chương trình cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 và đăng ký ủng hộ “Tết Vì người nghèo” Nhâm Dần 2022 theo các mức đối với các tập thể và từng vùng địa phương (miền núi, trung du, đồng bằng, thành phố, thị xã). Bên cạnh đó, cách thức công bố đăng ký hỗ trợ không trao biển mà thay vào đó là thiết kế trên nền màn hình led gắn với tên của đơn vị, doanh nghiệp…
Đặc biệt nhất của chương trình, đó là nội dung đấu giá bức tranh đá “Cho đi là còn mãi” của cô trò Trường THPT Dân tộc bán trú Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Bức tranh không chỉ được vẽ lên bằng tài năng mà còn từ sự trăn trở của cô trò làm gì để có tiền hỗ trợ các bạn học sinh nghèo. Chỉ với những viên đá có sẵn ở khe, suối, cô trò của trường đã thổi hồn vào các phiến đá thành các bức tranh có ý nghĩa, lan toả mạnh mẽ thông điệp cho các thế hệ, nhất là các cháu, đó là tư duy vươn lên cùng nhau vượt khó, bằng sự nỗ lực của bản thân cùng với sự đồng lòng của tập thể… Đây chính là bài học lớn cho mỗi chúng ta, là thông điệp về đoàn kết, sáng tạo, cùng nhau vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh để hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
P.V: Cuộc vận động chung tay “Tết Vì người nghèo” của Nghệ An đã triển khai nhiều năm nay. Đồng chí có thể cho biết, chương trình này có ý nghĩa như thế nào và những kết quả mà Nghệ An đã đạt được trong những năm qua?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng năm, vào dịp đón Tết cổ truyền, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều có thư gửi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhà hảo tâm ủng hộ, chăm lo cho các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh được đón Tết, vui Xuân đầm ấm, an vui. Có thể nói, đây là một chương trình rất ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, được tổ chức thường niên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Kết quả, 8 năm qua (từ 2014 đến 2021), tỉnh đã vận động được trên 461 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 919 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội, khám, chữa bệnh… có quà vui Xuân, đón Tết. Đặc biệt, “Tết Vì người nghèo” Tân Sửu 2021 đã vận động trên 96,27 tỷ đồng (cao nhất trong 8 năm qua), hỗ trợ cho 129.957 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội có quà Tết (mức thấp nhất là 500 ngàn đồng, cá biệt có hộ được hỗ trợ đến 10 triệu đồng) và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y, hỗ trợ phương tiện sản xuất và ngân hàng con giống (trâu, bò lai sind, dê, lợn đen, hươu…) cho các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, từng bước thoát nghèo.
Triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo bền vững
P.V: Năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, theo chuẩn mới, số hộ nghèo và hộ cận nghèo đang tiếp tục tăng. Đồng chí có thể chia sẻ về thực trạng này của Nghệ An và điều này sẽ tạo áp lực như thế nào trong công tác vận động quyên góp ủng hộ các hộ nghèo?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Theo số liệu rà soát sơ bộ của các địa phương và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cung cấp thì năm nay số hộ nghèo theo chuẩn mới tăng lên rất nhiều. Toàn tỉnh có trên 66.600 hộ nghèo (tăng 7,8% so với năm 2021) và gần 56.300 hộ cận nghèo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 170.000 người dân trở về quê từ các tỉnh để tránh dịch, số người này phần lớn cũng rất khó khăn. Chưa kể, do tác động của đại dịch Covid -19, số lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, tạm hoãn, ngừng việc… rất lớn. Đây là thách thức rất lớn đối với công tác giải quyết việc làm nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung trong tình hình dịch bệnh của tỉnh nhà, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.
Do vậy, mặc dù năm nay số liệu đăng ký ủng hộ có cao hơn những năm trước nhưng số hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình khó khăn lại tăng lên rất lớn nên rất cần sự nỗ lực, sẻ chia của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Hơn thế nữa, sau tết Nguyên đán, vấn đề đặt ra là tiếp tục quan tâm giúp đỡ hộ nghèo sinh kế để tạo việc làm, từng bước thoát nghèo bền vững. Đây là vấn đề mấu chốt, căn cốt nhất. Rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và các nhà hảo tâm thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ các cấp phát động.
P.V: Để việc triển khai công tác “Tết Vì người nghèo” được chính xác và đảm bảo tính khách quan, Cơ quan MTTQ tỉnh sẽ có chỉ đạo như thế nào để thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Với nhiều hình thức trao tặng (bằng tiền, hiện vật và các vật phẩm thiết thực như gạo, dầu, nước mắm, mỳ chính, chăn, áo ấm…) và ngay sau chương trình, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh chuyển khoản 6,2 tỷ đồng về cho 5 huyện miền núi cao để kịp thời trao cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Trong quá trình triển khai, MTTQ tỉnh cũng sẽ phối hợp và giám sát chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho MTTQ các địa phương trong việc tiếp nhận và xác nhận nguồn ủng hộ; thực hiện tốt vai trò điều phối quà cho người nghèo đảm bảo kịp thời, hợp lý và hiệu quả theo mức định hướng nêu trên. Chúng tôi cũng phấn đấu qua Chương trình “Tết Vì người nghèo” năm nay, ngoài quà Tết, sẽ có nhiều hộ được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo bền vững.
P.V: “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” là một chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước. Vậy, theo đồng chí, để triển khai hiệu quả chủ trương này và đạt được mục tiêu lớn đề ra, thời gian tới cần phải có những giải pháp nào. Qua đây, đồng chí muốn gửi gắm gì đến các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp đã cùng tham gia ủng hộ công tác vì người nghèo của tỉnh trong những năm qua và năm 2022?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các cấp ủy, chính quyền tổ chức khảo sát, xây dựng Bản đồ số an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo đó, sẽ phân tích xã hội đối với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đặc biệt khó khăn theo địa chỉ; thống kê nhu cầu (về xây dựng nhà ở, tìm kiếm việc làm, mô hình sinh kế….) để có cơ sở, giải pháp căn cơ kêu gọi, vận động hỗ trợ hộ nghèo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và tạo điều kiện để các nhà tài trợ có thể lựa chọn đối tượng mình cần hỗ trợ theo Bản đồ số này; đồng thời kết nối với các trang mạng xã hội để tuyên truyền, vận động rộng rãi hơn.
Điều mong muốn nhất của chúng tôi là các nhà hảo tâm nên kết nối việc tặng quà qua hệ thống MTTQ các cấp để điều phối quà hợp lý trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, tránh trùng lắp (hộ nhiều, hộ ít); phấn đấu tất cả hộ nghèo trên địa bàn đều được nhận quà với mức tối thiểu là 500 ngàn đồng, hộ đặc biệt khó khăn tối thiểu là 1 triệu đồng. Chuỗi hoạt động vì người nghèo không chỉ dừng ở đó, mà còn là trao những ngôi nhà mơ ước, những con giống, những chiếc xe đạp nâng bước chân em tới trường, là sự sẻ chia với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y, là sự động viên cho các trẻ mồ côi nghèo… Hy vọng những hoạt động vì người nghèo sẽ mãi lan toả, để không ai bị bỏ lại phía sau, để các hộ nghèo đủ tự tin vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!