Lan toả giá trị văn hoá, nhân văn xứ Nghệ
Tôi được gặp, được quen biết các nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Trọng Tạo, An Thuyên và may mắn được các ông quý mến. Tiếc mãi cơ hội với nhạc sĩ An Thuyên, khi chúng tôi đề nghị làm đêm nhạc về ông, ông chỉ nhỏ nhẹ: Các em ưu tiên làm cho các nhạc sĩ có tuổi trước nhé. Anh còn nhiều dịp mà. Vậy rồi, ông ra đi đột ngột khi đang còn nhiều dự định âm nhạc dang dở. Để bù đắp phần nào niềm tiếc nuối ấy, kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ, các đồng nghiệp NTV đã bày tỏ niềm yêu quý ông bằng việc hoàn thành bộ phim tài liệu: Nhạc sĩ An Thuyên - Người neo giữ hồn quê xứ Nghệ. Website Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã đăng tải về nội dung phim tài liệu này. https://dbndnghean.vn/nhac-sy-an-thuyen-nguoi-neo-giu-hon-que-xu-nghe-5438.htm
Với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tôi đã có dịp chia sẻ với bạn đọc bài viết về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông, đăng Báo Nghệ An số tết Nguyên đán 2021 và đăng web https://dbndnghean.vn/nhac-si-nguyen-tai-tue-nguoi-tac-chan-dung-minh-len-dung-mao-cua-the-ky-3731.htm
Một kỷ niệm đáng nhớ, khi viết xong bài báo, gửi ông xem, ông rất vui và chỉ đề nghị thay 4 chữ “thăm dò giai điệu” cuối bài. Bà Vũ Thị Cẩm Tú, vợ ông kể lại: Khi xem bài viết trên số báo tết Nghệ An, ông nói vui với bà và các con: Nội dung bài báo thấu hiểu về tôi quá. Giờ thì tôi có thể giối già được rồi. Như một linh cảm, chừng 3 tháng sau ông ra đi ở tuổi 87. Trước đó, tháng 8 năm 2018, Đài PT-TH Nghệ An đã tổ chức được đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ. Ngay sau đêm nhạc có tiếng vang, ông gửi thư cho những người làm chương trình bày tỏ niềm vui khi: “được tiếp đón nồng nhiệt, ưu ái và nhất là được báo cáo về thân thế và sự nghiệp sáng tác âm nhạc của tôi với tất cả những ai mà tôi nhớ nhung, thương mếm nhất”. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn của những người làm chương trình, khi hiểu hơn về cuộc đời nhiều dâu bể của ông, được chia sẻ phần nào “niềm vui thi thoảng, nỗi buồn mênh mang” trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, đức độ Nguyễn Tài Tuệ.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bên cây đàn cũ kỹ và bản nhạc Xa khơi bất hủ.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thường nói: Tôi yêu quê bằng những người yêu quê nhất. Mới đây, bà Cẩm Tú kể thêm: Có hôm thấy ông ngồi thẫn thờ, nước mắt cứ chảy, bà hỏi có chuyện gì? Ông nói: Tôi nhớ quê quá. Bà: Tưởng chuyện gì, ngày mai mình về quê. Vậy là trong chốc lát, ông đã soạn xong tư trang của mình, chờ cho đến sáng ngày mai lên đường. Hiểu được phần nào về cuộc đời, về nỗi niềm khắc khoải của “hơn 63 năm lưu lạc quê người” trong tâm hồn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, càng hiểu và cảm nhận đầy đủ hơn sức lay động của những ca khúc ông viết: Xa Khơi, Mơ quê, Xôn xao bến nước… qua bao thời gian đã thành bất hủ.
Với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, gia tài của ông là nhiều tập thơ, trường ca đạt các giải thưởng văn chương, như: Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao…; là tác giả của hàng ngàn bìa sách, tranh minh hoạ; những ca khúc mà hầu như người Việt nào cũng yêu thích: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang… Nguyễn Trọng Tạo sáng tác như một cuộc rong chơi của người nghệ sĩ đa tài, không tuổi. Là người nổi tiếng, đến đâu đều được nhiều người trọng vọng, nhưng ông vẫn luôn dành cho những người bạn nhỏ như chúng tôi sự chia sẻ, tận tình. Khi NTV mời ông làm cố vấn nghệ thuật cho cầu truyền hình Đôi bờ ví, giặm; ông vui vẻ nhận lời và dành thời gian trao đổi cặn kẽ, chi tiết về nội dung, chọn lựa các ca khúc. Ngày tổ chức, ông không về được, nhưng ngay khi vừa kết thúc chương trình, trên facebook của mình, ông đã dành những lời khen ngợi: “Câu ví, giặm bắc cầu trái tim. Từ khi chia tỉnh, đây là chương trình truyền hình có tâm và có tầm, không chỉ kết nối lòng người, mà còn kết nối hội nhập xã hội bằng nghệ thuật…Làm được như thế là kỳ công và có nhiều sáng tạo”. Với những người làm chương trình Đôi bờ ví, giặm, đó là phần thưởng lớn nhất, niềm hạnh phúc đáng nhớ nhất.
Có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cởi mở nhất là khi uống rượu với anh em bè bạn. Và không ít người, trong đó có tôi cũng sợ nhất ở ông là những cuộc rượu từ 7h tối đến 3 - 4h sáng hôm sau. Trong các cuộc vui ấy, ông luôn là người nói chuyện hấp dẫn nhất, hát xúc cảm nhất và uống cũng dẻo dai nhất. Ngay thời điểm cả ekip Đài PT-TH Nghệ An cùng các đạo diễn từ Hà Nội vào đang gấp rút cho đêm nhạc Khúc hát sông quê của ông lên sóng, ông vẫn cứ rong ruổi từng cuộc rượu vui với bạn bè, không mấy để ý đến việc chuẩn bị cho đêm nhạc tốt nhất có thể. Ngày ông vừa qua cơn đột quỵ, rồi phát bệnh ung thư, trong một cuộc gặp ở quê, ông chỉ có thể dùng nước lọc chúc bạn bè, anh em. Cảm giác thương xót vô cùng, mà không thể biết nói gì để chia sẻ cùng ông những lúc ấy. https://dbndnghean.vn/nguyen-trong-tao-nguoi-da-tai-khong-tuoi-5305.htm
Sinh ra từ mảnh đất gió Lào cát bỏng xứ Nghệ, được nuôi dưỡng từ dòng sữa mát lành của mạch nguồn ví, giặm, các nhạc sĩ đã để lại cho đời nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian Nghệ - Tĩnh, làm toả sáng thêm những giá trị văn hoá trường tồn của cha ông. Không chỉ vậy, từ dòng sông Lam, sông Bùng, sông Mai Giang… của tuổi thơ, “họ đã đến với sông Hồng, Cửu Long Giang… và trở thành người tài, niềm tự hào của đất nước”, như PGS TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương khái quát. Mãi còn vút cao, lắng sâu theo thời gian năm tháng những bài ca đã góp phần tạc nên dáng hình tổ quốc, như: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ); Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý); Biển hát chiều nay (Hồng Đăng); Làng Quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo); Em chọn lối này (An Thuyên). Và rất nhiều ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ nổi tiếng về tài năng, nhân cách, về tình yêu cuộc sống sẽ được cất cao và vọng mãi cùng non sông đất nước, qua đêm nhạc Mạch nguồn ví, giặm lần đầu tiên được tổ chức.
Trân trọng tâm huyết của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao Lê Doãn Hợp, của Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, của các đồng nghiệp Đài PT-TH Nghệ An cùng rất nhiều tấm lòng đã nỗ lực rất lớn để có được chương trình nghệ thuật Mạch nguồn ví, giặm, tri ân các nhạc sĩ của quê hương. Một chương trình được kỳ vọng sẽ khơi dậy hơn nữa tình đoàn kết, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng cống hiến, phát triển trong mỗi người xứ Nghệ, trong mỗi người Việt Nam hôm nay.
Cùng chờ đợi thưởng thức chương trình Mạch nguồn ví, giặm, vào lúc 20h ngày 14 tháng 5 năm 2023, tổ chức tại Cung Văn hoá Lao động Việt - Xô, Hà Nội; được NTV, Đài PTTH Hà Nội, Truyền hình Nhân dân, VTC cùng hơn 35 Đài PT-TH trong cả nước lên sóng trực tiếp.
Nguyễn Mai Linh