Củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước
CỦNG CỐ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH thông qua kênh thông tin từ Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, cấp thiết từ người dân để tiến hành giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng… Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc giải quyết kiến nghị cử tri; góp phần củng cố niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động của cơ quan dân cử.
Đó là chia sẻ của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An THÁI THỊ AN CHUNG với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV; đồng thời cho biết, cử tri Nghệ An đã gửi gắm nhiều kiến nghị tới nghị trường Quốc hội về: Chế độ, chính sách cho công nhân lao động; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS);…
Các kiến nghị được trả lời và giải quyết thấu đáo
- Thưa Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An THÁI THỊ AN CHUNG, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc ngày 22.5, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã tiến hành TXCT trên địa bàn. Xin bà cho biết cụ thể những nhóm nội dung chính được cử tri trong tỉnh quan tâm, nêu ý kiến, kiến nghị là gì?
- Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri (TXCT) theo quy định. Qua các buổi TXCT, cử tri bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và địa phương nói riêng có bước phát triển, tình hình an ninh – chính trị ổn định, đời sống người dân được nâng lên…
Vấn đề quan trọng được cử tri Nghệ An đặc biệt quan tâm theo dõi là công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước tiến hành quyết liệt. Cử tri đánh giá cao và hết sức ủng hộ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cử tri bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước có nhiều biện pháp để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng nhằm giảm thiệt hại cho Nhà nước và có hình thức xử lý thích đáng những cán bộ, công chức, đảng viên có hành vi tham ô, tham nhũng.
Cử tri cũng đặc biệt quan tâm kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động, việc thực hiện chính sách pháp luật của các Tập đoàn kinh tế nhà nước (Điện lực, Than - Khoáng sản, Xăng - Dầu) để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của các Tập đoàn này…
Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến: Chế độ phụ cấp cho giáo viên làm công tác tổ chức quản lý học sinh nội trú, bán trú ở các trường phổ thông miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng chưa đủ điều kiện thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ chế độ chính sách (BHYT, chế độ bán trú cho học sinh các cấp…) đối với đồng bào DTTS các bản vùng sâu, vùng xa các xã miền núi đã về đích nông thôn mới; ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14.1.2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi chợ;…
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri cũng bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa giải quyết được nhu cầu thực tế của địa phương. Cử tri mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi quy định về cơ chế đặc thù liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hướng không phân biệt đất trồng lúa nước một vụ hay hai vụ để phát huy hiệu quả của Nghị quyết số 36/2021/QH15, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Cùng đó, một số vấn đề tại địa phương như: Đầu tư hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hiệu quả sử dụng đất tại các nông, lâm trường; giải quyết các tồn đọng trong công tác tái định cư các dự án thủy điện… cũng được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị.
Đặc biệt, trên cơ sở đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức TXCT chuyên đề với cử tri là công nhân lao động. Qua Hội nghị, cử tri đã kiến nghị nhiều nội dung, như: Vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, chợ dân sinh, nhà trẻ trong các khu công nghiệp; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến giao thông có đông lưu lượng công nhân đi lại; xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; tổ chức khám chữa bệnh hưởng BHYT vào ngày chủ nhật;…
- Thưa bà, qua các đợt TXCT và giám sát các cơ quan chức năng trong thực hiện lời hứa, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã giải quyết các kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh gửi đến như thế nào?
Công tác giải quyết kiến nghị cử tri thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hết sức quan tâm. Đến nay, Đoàn ĐBQH đã nhận được nhiều văn bản trả lời của các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành tổng hợp, sao y và gửi đến HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; thông báo rộng rãi cho cử tri được biết và theo dõi. Nhìn chung, các ý kiến kiến nghị đều được các Bộ, ngành trả lời khá đầy đủ, chất lượng ngày càng được nâng cao, giải quyết được nhiều vấn đề cử tri đã nêu.
Các kiến nghị liên quan đến thẩm quyền giải quyết của địa phương đều được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương trả lời và giải quyết thấu đáo. Thậm chí, có những ý kiến bức thiết của cử tri qua TXCT trước Kỳ họp thứ Năm mới đây cũng đã được ghi nhận và đang được chỉ đạo, giải quyết… Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH thông qua kênh thông tin từ Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, cấp thiết từ người dân để tiến hành giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng… Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc giải quyết kiến nghị cử tri; góp phần củng cố niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như hoạt động của cơ quan dân cử.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số kiến nghị kéo dài, cử tri phản ánh nhiều lần qua các kỳ TXCT đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; phần lớn là các kiến nghị liên quan đến nguồn lực mà địa phương chưa thể bố trí, hoặc vướng mắc từ các cơ chế, chính sách của Trung ương…
Chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội
- Thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có những đổi mới như thế nào trong TXCT để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, thưa bà?
- Cùng với sự đổi mới của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động TXCT trên địa bàn… Đơn cử, Đoàn đã tăng cường tổ chức các hoạt động để ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với cử tri (như TXCT kết hợp với tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; hoạt động an sinh xã hội…).
Đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả TXCT của ĐBQH. Tham dự Hội nghị có các ĐBQH Khoá XV, đại diện Thường trực HĐND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã nghe báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh, các tham luận, ý kiến thảo luận của các ĐBQH, đại diện Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện, xã đánh giá công tác TXCT của ĐBQH thời gian qua; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả TXCT trong thời gian tới... Sau Hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có Thông báo kết luận, trong đó đề ra các giải pháp không chỉ đối với Đoàn ĐBQH, các ĐBQH mà còn đối với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và bộ máy tham mưu, giúp việc – Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
- Trước thềm Kỳ họp thứ Năm, bà có thể cho biết kỳ vọng của cá nhân và của Đoàn ĐBQH tỉnh về kỳ họp này?
- Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng, nhiều dự án luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, được cử tri quan tâm. Công tác chuẩn bị Kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện “từ sớm, từ xa”. Điểm mới của kỳ họp này là được chia thành hai đợt, giữa hai đợt có thời gian nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo. Tin tưởng, kỳ họp sẽ có nhiều ý kiến chất lượng; các quyết sách được Quốc hội thông qua bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Tại kỳ họp lần này, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An mong muốn chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri liên quan việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy hiệu quả của chính sách; một số cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS; chế độ, chính sách đối với công nhân lao động như: Vấn đề nhà ở, các thiết chế văn hóa, thể thao… Kỳ vọng, nghị trường Quốc hội đã, đang và sẽ luôn “đầy ắp” tiếng dân, sâu sát vì dân, mang hơi thở của đời sống xã hội, hơi thở của Nhân dân.
Từ sau Kỳ họp thứ Tư đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã triển khai giám sát 3 chuyên đề, gồm: Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện chính sách phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Đồng thời, triển khai khảo sát 1 chuyên đề… Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật; tổ chức TXCT chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); chủ động khảo sát thực tế, lấy ý kiến các chuyên gia về các chính sách còn có ý kiến khác nhau; đặc biệt trực tiếp tham gia và đôn đốc giám sát việc triển khai Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...
Diệp Anh thực hiện