CON NGƯỜI XỨ NGHỆ

Chỉ có thể tiến bước đến tương lai một cách vững vàng, khi hiểu sâu về nguồn cội, về quá khứ.

Bởi vậy, để đi tới, con người cần có những bước quay về, bước trở lại đi trên con đường xưa, gặp  những người xưa.

Tôi tin rằng, với những ai đã có trải nghiệm nhất định, sẽ thấy sau mỗi Tết Nguyên Đán, Tiết Thanh Minh…, về quê tảo mộ, thắp nén hương lên phần mộ tổ tiên, ông bà; chí ít, lòng người được nhẹ nhàng thanh thản hơn, trí óc sáng suốt hơn khi nghĩ về đạo lý và lối sống ở đời.

Dân tộc ta, cho đến hôm nay là một dân tộc gian lao, đã trải qua nhiều thử thách vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên và giặc dã. Trong sự khắc nghiệt chung ấy, Xứ Nghệ là nơi khắc nghiệt hơn cả. Phần lớn thời gian và sức lực là để đánh giặc và mưu sinh. Không chỉ tồn tại là đủ, con người còn có nhu cầu hạnh phúc và thăng hoa. Để giải được bài toán này, để cân bằng được phương trình, chỉ có cách là con người cần nâng cao năng lực của mình.

Người Xứ Nghệ kiên cường và giỏi giang một cách đặc biệt vì thế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguyên nhân bề nổi, ai cũng có thể thấy. Tôi tin rằng, còn những điều bí ẩn, những điều sâu xa mà ta chưa biết.

Nhân đây, tôi cũng bày tỏ một chút tâm sự trữ tình ngoại đề về lịch sử.

***

Tôi đã từng tiếp xúc, đàm đạo với nhiều nhà khoa học lịch sử nổi tiếng như thầy Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm…; đã nghe các nhà văn, nhà báo nói về “sự mênh mang” của thời đại Hùng Vương.

Hiến pháp năm 2013 cũng không minh định. Trong Lời nói đầu, viết: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Mấy nghìn năm cụ thể là mấy nghìn năm?

Thầy Phan Huy Lê từng nói với tôi: Nên tính từ thời Âu Lạc của An Dương Vương, tức hơn 2000 năm.

Lịch sử (như một bộ môn khoa học), theo tôi, chẳng qua chỉ là những hiểu biết, quan niệm của người thời sau về thời trước, được ghi chép lại qua sách vở, có sự chi phối mạnh mẽ của ý đồ chính trị và thiên kiến cá nhân. Bởi thế, nó có thể có thiếu sót, sai lầm…

Nhưng còn một dòng lịch sử, tôi cho rằng mới thật là chính sử, được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.

Nước ta rất nhiều lần bị cướp và đốt sách (riêng dưới thời nhà Lê có hai lần, một lần do quân Minh gây ra, một lần do nạn kiêu binh). Trong Lê Triều thông sử, phần “Nghệ văn chí,” Lê Quý Đôn  viết: “Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng”. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong Văn hóa Việt Nam, Tìm tòi và Suy ngẫm căn cứ vào sử cũ, khẳng định: “Vua Minh (Thành tổ) đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết”. Thực dân Pháp cũng đem về Pa-ri không ít sách vở, di sản văn hóa của nước ta. Sau này, ở một số nơi, nhất là Nghệ Tĩnh, do bệnh tả khuynh, cũng có chuyện đốt sách, thậm chí đốt cả gia phả. Sau giải phóng miền Nam, với lý do tiêu hủy văn hóa đồi trụy, đây đó cũng có đốt sách, không kể sách gì…

Song hành với việc ghi chép bằng bút mực, Nhân dân ta đã chọn một phương thức khác, đó là Truyền miệng. Vì vậy, dạy về văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam mà không dạy văn học, nghệ thuật dân gian là một khoảng trống lớn, một sơ suất cần phải được sửa chữa kịp thời. Qua truyền thuyết ta cũng có thể tìm thấy sự thật lịch sử và những thông điệp quý báu của cha ông. Phải chăng, với Thánh Gióng, cha ông ta muốn nói rằng, Nhân dân ta vô cùng tài giỏi, anh hùng; khi nào đất nước lâm nguy, hãy tin có anh hùng cứu nước, giải quyết yêu cầu lịch sử  ở nơi thôn cùng xóm vắng (chứ không phải ở triều đình). Bàn chân ông Đùng là một hình tượng lớn. Mẹ Gióng dẫm vào dấu chân ông để sinh con, bà vẫn được thờ làm Thánh mẫu, người cha vắng mặt thì được gọi là Ông Đùng, đây là một tư tưởng về bình đẳng, tự do cá nhân, tự do yêu đương rất sớm, rất lớn của người Việt Nam.

Thảng hoặc tôi cứ nghĩ rằng, vua An Dương Vương không chém chết Mỵ Châu và nhảy xuống biển tự tử. Đó chỉ là cách che mắt giặc. Có thể nhà vua và đoàn tùy tùng đã ở lại đất Diễn Châu, sinh cơ lập nghiệp cho đến ngày nay. Rất nhiều khả năng họ Cao có gốc từ ông Cao Lỗ Đông Anh.

Bố của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Công Trứ. Ông Trứ là tướng tài của Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Ông Trứ từng làm Thứ sử Hoan Châu, lỵ sở ở xã Phong Thịnh, Thanh Chương. Đinh Bộ Lĩnh đã từng theo cha vào đây và có thể cũng như thời ở Ninh Bình, cờ lau tập trận, luyện võ ở Nghệ An. Hậu duệ của Đinh Công Trứ có Tiến sĩ khai khoa Đinh Bô Cương và nhiều nhánh họ Đinh khác. Họ Hồ ở Quỳnh Lưu chắc chắn là con cháu của Tiến sĩ Hồ Hưng Dật; họ Thái ở Đô Lương có gốc từ họ Mạc; họ Nguyễn có bộ phận là chi phái của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bặc…

Chỉ một vài ví dụ như vậy, ta cũng thấy người Nghệ có gốc từ những dòng họ tinh hoa trong cả nước.

Nghệ An có tính chất kết tinh và hội tụ. Đồng thời có những đặc trưng riêng biệt. Cái riêng biệt một phần vốn có từ trước, một phần được hình thành do đất và nước, do văn cảnh, tập tục.

Tôi nhớ trong một lần trò chuyện với Hồ Xuân Hùng, khi còn là Chủ tịch tỉnh Nghệ An, ông nói: “Cái gì cả nước có, Nghệ An đều có. Cái gì cả nước không có, Nghệ An cũng có”. Đó là một đánh giá về tiềm năng của Nghệ An trong những ưu điểm với sự tự hào. Tôi đồng ý với ông trong cái nghĩa ông muốn truyền đạt, nhưng càng ngẫm, càng thấy đúng ở cả cái nghĩa tiêu cực. Con người Nghệ An như vậy chăng?

Việc chu chuyển của các dòng họ từ nơi khác vào Xứ Nghệ ta thấy rõ. Nhưng con người bản địa ở đây, những người nguyên thủy mà các cuộc khai quật khảo cổ học ở Thẩm Ồm (Quỳ Hợp), Dùng, Rạng (Thanh Chương), Phôi Phối (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cho biết con người đã sống ở Nghệ An từ vài chục vạn đến vài chục nghìn năm trước thì ta chưa thấy rõ sự diệt vong và phát triển của họ như thế nào.

***

Nên quan niệm lịch sử thế nào?

Thật lòng, tôi không quan tâm nhiều đến lịch sử quốc gia (nước này, nước kia bao nhiêu tuổi, có mấy nghìn năm truyền thống). Cái lịch sử ấy nó gắn với thể chế Nhà nước, vào những gì được ghi vào sách vở. Tôi quan tâm nhiều hơn đến lịch sử con người, lịch sử dân tộc, lịch sử văn hóa. Với cách nhìn ấy, nước ta không chỉ 4000 năm mà còn dài hơn thế rất nhiều lần. Và không nên có khái niệm “thời tiền sử”, một từ rất xách mé đối với chính tổ tiên mình. Rất nhiều người không tin có thời đại Hùng Vương, vì sao 18 đời mà kéo dài 2000 năm. Đó là một cách tính toán máy móc, cách hiểu máy móc về dã sử. Năm 2013, ông Quàng Văn Hảy và một số người dân xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phát hiện một ngôi mộ cổ. Căn cứ vào xương, răng còn lại và đồ tùy táng gồm 5 chiếc qua đồng (một thứ vũ khí như câu liêm để móc cổ người, giật chân ngựa…), các nhà khảo cổ học đã kết luận, 2000 năm trước người Việt thời văn hóa Đông Sơn đã làm chủ vùng rừng núi Tây Bắc xa xôi. Lý lịch dân tộc sẽ được hiện dần qua những chứng cứ khảo cổ học!

***

Trở lại chuyện con người Nghệ An.

Hồi tôi học ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp có nhiều ông thầy Nghệ An. Thầy Nguyễn Tài Cẩn (Thanh Chương) tham gia kháng chiến ở Khu IV cùng lứa với nhà thơ Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông… được sự dìu dắt của ông Đặng Thai Mai. Lúc đó, ông chưa biết ngôn ngữ học là gì. Vậy mà năm 1960, thầy bảo vệ thành công luận án "Từ loại Danh từ tiếng Việt", lấy bằng Phó Tiến sĩ ngôn ngữ đầu tiên của Việt Nam. Thầy rất quy tắc ở lòng yêu nước, ở tinh thần cộng sản, ở trật tự cú pháp nhưng rất không quy tắc ở những sinh hoạt thông thường. Thầy mặc quần xoóc lên lớp, chậm giờ là nhảy phóc qua lan can vào giảng bài. Thầy đi xe máy, nhưng trên xe lúc nào cũng có điếu thuốc lào. Và cái điếu thuốc lào ấy cũng luôn theo thầy vào lớp.

Thầy Trần Đình Hượu vốn là nghiên cứu sinh triết học ở Liên Xô, sau chuyển sang dạy văn học Việt Nam cận đại. Hai ông cùng quê Thanh Chương hay chơi với nhau, đều hay phê phán nhà nho, phê phán tính cách gàn của Xứ Nghệ. Thế nhưng, một lần đến chơi nhà thầy Cẩn ở gần Chợ Giời, cô Nonna Stankevitch người Nga, vợ thầy Cẩn nói: Hai ông này thường chê người ta gàn, nhưng chính hai ông là người gàn nhất, nho đùm một cục… Thế đấy, nơi sống dễ đổi, chất Nghệ khó dời. Mình tự đánh giá mình không sáng bằng người ngoài nhìn vào.

Thầy Phan Ngọc, con cụ Thượng thư Phan Võ ở Yên Thành là một tài năng xuất chúng. Khi còn trẻ tuổi, thầy đã dịch Sử ký Tư Mã Thiên và nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc rất khó khác. Tự học tiếng Nga, thầy dịch Chiến tranh hòa bình một cách kinh điển. Thầy dịch Sếch-xpia từ nguyên bản tiếng Anh, Thần thoại Hy Lạp bằng tiếng Hy Lạp, Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý… Sau khi rời Trường Tổng hợp về Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thầy còn thạo cả tiếng Khơ-me. Bước vào lĩnh vực ngôn ngữ, lý luận văn học, văn hóa học…, thầy đều đứng ở vị trí hàng đầu. Sau nhiều năm không được giảng dạy vì liên quan đến Nhân văn giai phẩm, thầy bị phân công làm công tác tư liệu – thư viện. Đến buổi đầu được dạy chúng tôi, thầy đứng hẳn hai chân lên hai bàn học sinh, hăng say nói đến bật máu, rách cả mép. Những buổi giảng của các thầy Khoa Ngữ văn như vậy, không chỉ có sinh viên Khoa Ngữ văn, mà cả Khoa Sử, cả sinh viên các trường gần đấy đều đến nghe. Thầy nói về điều gì cũng có cái mới, thà cực đoan còn hơn lặp lại điều cũ kỹ…

Ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã xây dựng nhiều quyết sách đúng đắn, có tầm ảnh hưởng lâu dài

Tôi quen biết ông Trương Đình Tuyển từ trước khi ông vào làm Bí thư tỉnh Nghệ An. Làm Bí thư tỉnh lớn, nhưng nhiều hôm ông vẫn tự đi chợ nấu ăn, bữa cơm của ông vẫn rau muối dưa cà. Ông là người có công lớn trong ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, đưa Việt Nam vào WTO, có nhiều suy nghĩ táo bạo, sâu sắc. Nhưng tôi không bao giờ tán thành trước sự cả quyết của ông rằng cá thu Diễn Châu là ngon nhất nước, ngon nhất thế giới. Ông là điển hình về sự gàn, trong cái gàn ấy có sự liêm khiết, cốt cách cứng cỏi không bất cứ cái gì làm di dời được của kẻ sĩ.

Tôi đôi khi được đánh cờ và uống rượu với thầy Văn Như Cương. Khi uống rượu hơi say say, tôi thấy ông khi thì giống Lý Bạch, khi thì giống Lý Thiết Quài. Là Giáo sư Toán nhưng thích nói chuyện văn chương. Thơ phú, câu đối đích thị là con cháu Hồ Xuân Hương. Sáng Mồng 1 Tết năm 1997, ông cõng mẹ ra nhà thờ họ và đi chúc Tết bà con mặc dù có thể đẩy mẹ bằng xe lăn. Như Hàn Bá Du khóc to khi mẹ già rồi đánh không đau nữa, Giáo sư Cương cũng trào nước mắt khi thấy người mẹ 94 tuổi trên lưng nhẹ bẫng. Và ông có bài thơ ứng tác tức thì: “Con sáu mươi cõng mẹ chín tư / Mẹ ơi, mẹ nhẹ thế này ư / Thôi con, đừng có lo cho mẹ / Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ”. Qua ông, tôi thấy người Nghệ có thể chuẩn mực nhưng cũng có thể phá cách, đa nhân cách.

Bà Thái Hương là một phụ nữ cơ trí, ngoan cường, đúng là “Trai Cát Ngạn, gái Đò Lường”. Bà là nữ doanh nghiệp duy nhất đầu tư lớn ra nước ngoài, một người tiên phong làm sữa sạch, nông nghiệp sạch vì “tầm vóc Việt”, vì sức khỏe của người Việt trên tinh thần “thương người như thể thương thân”, thương trẻ nhà khác như thương con mình. Sự táo bạo quyết liệt, đôi khi phiêu lưu của bà tưởng không thành công thế mà thành công ngoài tưởng tượng của người khác. Bà là người yêu Bác Hồ đặc biệt. Bà nói: Cứ nghe Bác, làm theo những lời Bác nói, cái gì cũng đúng, cũng thành công! Đó là một niềm tin kiên định. Điều đó cho thấy người Nghệ đã tin gì, theo gì thì kiên định suốt đời.

Nói về người Nghệ, còn phải nói đến những người phụ nữ thầm lặng, tên tuổi họ không được nhắc đến trong sách vở. Nhưng họ là người lo cho sự nghiệp của chồng; vừa cấy cày, dệt vải vừa dạy con học bài, học lấy đạo nghĩa Đói cho sạch, rách cho thơm; Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Họ nuôi dưỡng truyền thống các dòng họ và nuôi dưỡng văn hóa của một vùng đất.

Tóm lại, người Nghệ An như tôi biết, dù còn nhiều hạn chế, nhưng thật sự là vốn quý mà không dễ nơi nào có được.

***

Trong sự mênh mông của thế giới truyền thông hôm nay, Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An (https://dbndnghean.vn) là một kênh rất khiêm tốn. Nhưng tôi thường vẫn thích thú đọc vì những thông tin mang tính toàn quốc của nó; đồng thời có mục “Non nước con người Xứ Nghệ” rất hấp dẫn. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi, người điều hành website này nguyên là Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An nên rất có nghề.

Chuyên mục “Non nước con người Xứ Nghệ” trên trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An (https://dbndnghean.vn)

Viết về con người trên chuyên mục này là những trang lịch sử sống. Điều quan trọng không phải để ca ngợi, vinh danh một con người cụ thể nào đó, mà quan trọng là dựng lên những tấm gương, vạch ra những lối đi trong cuộc đời để thế hệ trẻ noi theo, đi tới thành công. Sẽ không ai thành công, sẽ không có cuộc đời nào có ý nghĩa nếu không mang trong lòng tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt, không nỗ lực lao động cống hiến.

Không có sách, thiếu sách thì chúng ta làm ra sách. Và những cuốn sách ấy phải mang tính chân xác lịch sử, có ích cho hôm nay và mai sau.

Tôi tin tập hợp những bài viết trong mục “Non nước con người Xứ Nghệ” để xuất bản, sẽ có những cuốn sách hay. Những cuốn sách ấy là đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng con người mới Xứ Nghệ, để xây dựng Nghệ An thành một trong những tỉnh khá nhất trong cả nước, Nhân dân Nghệ An có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc như mong mỏi thiết tha của Bác Hồ lúc sinh thời. Đồng thời, để Nghệ An tiếp tục là nơi cung cấp nhân tài cho cả nước và mãi mãi là trung tâm cách mạng, thành trì của Chủ nghĩa xã hội./.


Bài: Nguyễn Sĩ Đại
Thiết kế: Hoàng Bá

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến