Văn hóa trong nông nghiệp và nông dân

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n3.png
p1.jpg
Văn hóa là gốc rễ, là giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Văn hóa theo nghĩa rộng bao gồm cả những giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Vì thế nếu biết phát huy, khai thác văn hóa với những giá trị vô hình có thể mang lại những giá trị kinh tế hữu hình vô cùng to lớn. Tuy nhiên ở một số lĩnh vực, một số nơi chưa để tâm hoặc chưa xem trọng các yếu tố văn hóa. Chính vì thế, đàm luận về nông nghiệp, nông dân nhưng sẽ không phải là giống, vật tư phân bón hay năng suất, sản lượng, mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ cùng phóng viên tiếp cận một chủ đề, phạm trù không mới nhưng có vẻ vẫn còn lạ ở Việt Nam, đó là văn hóa trong Nông nghiệp và Nông dân.

Phóng viên:Thưa Bộ trưởng Lê Minh Hoan, theo ông chúng tôi đặt vấn đề văn hóa trong nông nghiệp và nông dân thì có quá mơ hồ hay không ạ?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong cuộc sống đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái hữu hình mà không nhìn thấy cái vô hình. Văn hóa là cái vô hình và vì rất nhiều lý do mà chúng ta đã định vị chưa đúng lắm vai trò của văn hóa trong sự phát triển của một địa phương hay mỗi con người. Thậm chí, chúng ta cũng đang nhìn nền nông nghiệp qua sự hữu hình mà không nhìn nông nghiệp bằng các giá trị vô hình: giá trị văn hóa. Trong tiếng Anh, chữ nông nghiệp là agriculture, nó xuất phát từ sự vun trồng, theo nghĩa đen là trồng trọt, sản xuất, nhưng nó còn có một nghĩa bóng nữa là vun trồng con người. Khi đã đụng chạm tới con người là đụng chạm tới cảm xúc, tới các giá trị đời sống tinh thần. Mà một trong những khía cạnh tinh thần là văn hóa, do đó văn hóa trong nông nghiệp hay văn hóa trong nông dân và nông thôn nó cấu thành giá trị của nền nông nghiệp. Tôi nói thêm rằng nông nghiệp không phải chỉ là sản xuất, chúng ta đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế rồi. Mà tư duy kinh tế ngày nay cũng không phải chỉ là kinh tế hữu hình mà còn có cả kinh tế vô hình. Yếu tố văn hóa và yếu tố xã hội cũng là nguồn vốn để phát triển một địa phương hay một con người. Thành ra, tôi thường hay nói rằng: văn hóa là cái có thể bán được. Mà trước hết nó sẽ chuyển hóa thành cái hữu hình, nó nâng giá trị hữu hình lên và bản thân văn hóa cũng có thể là cái bán được.

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n10.jpg
van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n8.jpg
Làng Hoa Sa Đéc Đồng Tháp

Phóng viên: Vâng, đúng như Bộ trưởng nói, chúng ta đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Vậy, giá trị cốt lõi nhất của kinh tế nông nghiệp là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi hay nói với mấy bác nông dân rằng nếu mấy bác chỉ bán xoài, bán hạt gạo hay bán con tôm, con cá thì mấy bác chưa giàu được. Các bác phải bán chính hình ảnh người nông dân. Thương hiệu của mình mới chính là văn hóa, là giá trị cốt lõi đi cùng năm tháng. Chúng ta nhớ rằng, trong con người chúng ta có hai đời sống. Một là đời sống vật chất, đó là cái chúng ta ăn, cái chúng ta uống. Nhưng cái đó nó chỉ nằm ở tầng thấp. Cái tầng cao hơn là đời sống tinh thần. Người ta ăn nó để người ta có cảm xúc, ăn để người ta vui vẻ quây quần bên nhau. Càng ngày người tiêu dùng càng hướng đến cảm xúc nhiều hơn. Chính vì thế định vị người nông dân, tri thức hóa người nông dân hay nâng cao giá trị văn hóa người nông dân là điều mà chúng ta phải có trách nhiệm nhiều hơn. Chúng ta không nên cảm thán nữa mà mỗi chúng ta hãy hành động để giúp cho bà con mình lịch lãm hơn, có tri thức nhiều hơn.

Phóng viên: Chúng ta chuyển sang một vấn đề khác. Câu chuyện được mùa rớt giá là điển hình nhưng vẫn đang còn là chung chung, tôi cụ thể hơn, nông dân Việt mình cứ thấy ai trồng cây, nuôi con gì mà năng suất, sản lượng cao thì thi nhau làm, không quan tâm lắm đến chất lượng hay thị hiếu người tiêu dùng. Vẫn đang là tư duy lấy nhiều bù giá trị cao. Vậy thì nếu như ở góc độ của Văn hóa thì đây có được xem là một sự ứng xử chưa có những yếu tố văn hóa trong sản xuất không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ở đây nó có hai cái bẫy đặt ra. Cái bẫy đầu tiên đó là chưa chắc sản lượng nhiều mà thu nhập lại cao, thứ hai là chúng ta chỉ nghĩ tới thu nhập mà chúng ta quên đi cái văn hóa, đời sống tinh thần của bà con. Hay nói một cách khác hơn, chúng ta chưa thực sự xem người nông dân là trung tâm, chúng ta chăm chút tạo ra giá trị ngành hàng mà chúng ta ít chăm chút tạo ra một giá trị của người nông dân. Nó là một dòng cộng hưởng, khi đời sống văn hóa, văn hóa của người sản xuất, tinh thần người nông dân, cảm xúc tích cực của người nông dân được nâng lên, sự hài hòa trong nông thôn được nâng lên, cấu kết cộng đồng chặt chẽ hơn, sự hợp tác, chia sẻ với nhau nhiều hơn thì lúc đó người nông dân sẽ thấy rằng mình không bị cô lập ở trong ngôi nhà của mình nữa. Người ta vươn ra với cộng đồng, người ta phải đồng đẳng với doanh nghiệp.

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n5.jpg

Phóng viên: Nhân nói đến “được mùa rớt giá”, tôi lại muốn đề cập câu chuyện giải cứu nông sản. Thực tế thì năm nào cũng thế, không ở địa phương này thì địa phương kia, không sản phẩm này thì sản phẩm kia rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Không tiêu thụ được chúng ta lại hô hào giải cứu. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về việc giải cứu này? Nhìn ở góc độ văn hóa nông nghiệp thì nó đã phù hợp chưa?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi cung với cầu gặp nhau nó sẽ cân bằng giá. Tức là gặp nhau dựa trên mấy yếu tố: một là về sản lượng, hai là thời điểm, ba là giá cả và chất lượng. Kinh tế học xác định đó là cái điểm khớp nối thị trường. Nhưng điều đó không bao giờ ổn định, đặc biệt là đối với nông nghiệp. Nó khác với lĩnh vực công nghiệp. Trong công nghiệp, khi sản xuất ra ô tô, thấy thị trường chưa thuận lợi, người ta có thể đưa vào kho để một năm cũng không sao hết, nhưng nông sản thì khác, chỉ hai, ba ngày là trái cam Vinh sẽ khô héo. Đó là đặc điểm thứ nhất. Đặc điểm thứ hai đó là: thị trường trăm người bán, vạn người mua. Chúng ta vừa là người bán cũng vừa là người mua. Chúng ta xuất khẩu một nông sản nào đó thì Thái Lan, Malaysia… cũng xuất khẩu cùng một nông sản qua thị trường đó. Thậm chí thị trường đó mùa này người ta có thể mua nhưng mùa khác người ta có thể đã sản xuất được. Thành ra bức tranh hay dữ liệu thị trường rất khó đoán định, khó dự báo, đó là chưa nói đến những biến cố. Tuy nhiên đó chỉ là những yếu tố bên ngoài thôi, còn bản chất của nền nông nghiệp mình chính là: bà con quyết định giá. Không có sự ổn định đó, bởi vì khi được giá thì bà con trồng nhiều, khi giá xuống bà con lại giảm đi, rồi khi cắt giảm giá nó lại lên, cứ luẩn quẩn mãi như vậy. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa tổ chức lại ngành hàng. Vậy nên quan trọng nhất không phải là trồng cái gì mà là phải tổ chức ngành hàng đó. Nông sản phải có tổ chức. Ở nước ngoài, những tổ chức đó có sức mạnh chia sẻ cho nhau. Còn mình ai mạnh người ấy làm, người kia làm được tại sao không cho tôi làm. Nhiều người cùng trồng thì tự nhiên nó “rộ lên” và làm nhũng nhiễu thị trường. Thành ra cái này nó cũng là một tinh thần văn hóa. Đó là văn hóa hợp tác với nhau giữa những người nông dân. Hợp tác là văn hóa, là thái độ sống.

Phóng viên: Nhưng ở góc độ của Bộ trưởng, Bộ trưởng có đồng ý với việc giải cứu không ?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi hoàn toàn không đồng tình với việc giải cứu nông sản như lâu nay. Và tôi nghĩ, từ nay về sau đừng dùng từ “giải cứu” vì bản thân từ “giải cứu” gây ra một cảm xúc không có lợi. Bởi đã là hàng hóa phải giải cứu, người nông dân sẽ trộn lẫn hàng giải cứu với hàng không giải cứu, không phân định phẩm cấp. Và nguy hiểm hơn, sẽ hình thành một cách nghĩ thụ động, cứ làm, làm và làm, nếu ùn ứ thì đã có giải cứu, rồi tự nhiên người nông dân thấy không cần phải chăm chút, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm gì nữa hết, đúng không? Mà một khi không chăm chút thì chất lượng càng xuống, chất lượng xuống thì giá lại càng rẻ, rẻ thì người ta lại bỏ bê luôn. Hệ lụy nó cứ kéo theo như thế. Thành ra tôi cho rằng, chúng ta phải hướng tới một nền nông nghiệp không giải cứu nữa. Nói thì dễ nhưng hành động mới khó, mà hành động đó xuất phát đầu tiên phải từ địa phương. Bộ trưởng không thể nào xuống tận tất cả những nơi nông dân sản xuất. Mà muốn hành động thì lãnh đạo một lần nữa phải nghĩ tới người nông dân, nghĩ cho người sản xuất.

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n2.jpg

Phóng viên: Cũng không thể đổ lỗi hết cho ngành nông nghiệp hay người nông dân. Đã là kinh tế hàng hóa thì cần sự liên kết. Trong công nghiệp có chuyên môn hóa thì trong nông nghiệp cũng phải như thế và phải làm theo chuỗi. Thậm chí không phải là chuỗi trong nội bộ ngành nữa, phải là liên kết giữa các ngành. Tôi lấy ví dụ, người Nhật hay người Châu Âu họ rất trân trọng sản phẩm nông nghiệp của mình, nhưng ở ta, ngay cả vào siêu thị nhiều sản phẩm vẫn đang bày bán ở dạng thô, không phân loại hay phẩm cấp sản phẩm. Cái này thì lỗi thuộc về ai, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ trưởng không vô can trong thực trạng đó, mà cơ quan truyền thông cũng không vô can. Có hai cách chúng ta thường làm: một là chúng ta sắp xếp cho nó ngăn nắp bằng pháp luật, bằng quy chế, hai là chúng ta truyền thông cho những giá trị mới. Chúng ta lấy cái tích cực đó lan tỏa dần lên. Tất nhiên chúng ta phải hướng tới quy chuẩn và nguyên tắc bởi nền nông nghiệp của mình nó rất mù mờ. Người tiêu dùng cơ bản đều không biết lựa chọn. Nhưng cả nước có tới 50 triệu nông dân, 50 triệu người tạo ra sản phẩm trong các siêu thị, vậy nếu cứ chờ đợi pháp chế và quy tắc thì rất khó thiết lập trật tự. Nên một lần nữa tôi lại nhấn mạnh đến tinh thần hợp tác và liên kết. Tôi đọc giáo trình của một trường cấp 3 ở Nam Định, người ta dạy học sinh trồng ngô, trồng sắn, nuôi lợn, nuôi cá nhưng nhấn mạnh: Dù em làm tốt bao nhiều mà em không hợp tác với người khác thì em sẽ thất bại; em phải vào hợp tác xã, phải biết giá trị của doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để em tham gia vào chuỗi đó, chứ em đừng bao giờ đứng riêng một mình. Tức là người ta đã hình thành một tinh thần hợp tác, giá trị của hệ sinh thái, giá trị của chuỗi ngành hàng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n9.jpg

Phóng viên: Đúng là không ai vô can, ngay cả người tiêu dùng cũng phải khắt khe hơn, chuẩn mực hơn khi lựa chọn sản phẩm đúng không ạ, bởi có như thế thì bản thân người nông dân và các đơn vị cung ứng mới có sự chỉn chu và chăm chút cho sản sản phẩm của mình?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Người tiêu dùng thì nói: anh làm tốt thì tôi mua giá cao, còn người nông dân lại bảo: chừng nào anh mua giá cao thì tôi sẽ làm tốt. Chúng ta phải kích hoạt cả hai. Nhưng nếu kích hoạt cả hai thì hãy kích hoạt người tiêu dùng trước bởi dù sao chúng ta cũng có điều kiện hơn bà con nông dân, rồi thông qua việc mua hàng đó mình sẽ nói với người nông dân rằng: hôm nay chúng tôi mua vậy nhưng tôi thấy bà con phải cố gắng hơn nữa để có sản phẩm tốt hơn, và chúng tôi sẵn sàng mua giá cao hơn nữa nếu bà con thay đổi. Mỗi người chúng ta hãy ứng xử với bà con nông dân như vậy chứ đừng mặc cả chuyện thuận mua vừa bán.

Phóng viên: Nhưng mà gần như tiếng nói của người tiêu dùng chưa đến được với nông dân và nông dân cũng chưa đến được với người tiêu dùng. Cái này thì đúng là trách nhiệm từ phía truyền thông của chúng tôi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trách nhiệm của chúng ta là dẫn dắt thông qua các chuyên mục, chương trình của đài, báo. Hãy bắt đầu đưa các câu chuyện đó vào trường phổ thông để các em học sinh biết và thương người nông dân hơn. Chúng ta sẽ tổ chức nhiều hơn hoạt động dã ngoại, các em học sinh sẽ cùng với cha mẹ đến những nông trường nông trại, đến với những hợp tác xã, với người nông dân để trải nghiệm thực tế. Bây giờ người tiêu dùng đang mất lòng tin vào các sản phẩm trên thị trường, vì thế không có cách gì hiệu quả hơn là trải nghiệm thực tế, để cung cầu gặp gỡ, thấu hiểu, chia sẻ.

Phóng viên: Chúng ta thưởng thức món ăn bây giờ không chỉ bằng miệng mà còn là bằng mắt nữa. Vậy thì câu nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” có còn đúng nữa hay không thưa Bộ trưởng? Hay là bây giờ gỗ và sơn đều phải tốt nhất?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thực ra chúng ta đang nghĩ rất đơn thuần rằng sản phẩm nông nghiệp chỉ để làm lương thực thực phẩm. Tại sao chúng ta đi mua một gói quà, thấy ai gói đẹp thì mua? Mình ăn thì cần gì bao bì đẹp. Nhưng rõ ràng chúng ta đã bắt đầu đi vào cái cảm xúc, cái văn hóa rồi. Tất cả những cái đó chính là biểu hiện bề ngoài của văn hóa, nhưng ẩn sâu trong đó là con người tạo ra sản phẩm đó. Tính nhân văn, tính chia sẻ, tính nghĩ cho người khác của chính những người nông dân. Cái tôi bán không phải chỉ là một hạt sen hay một quả cam Vinh nữa mà là tôi bán niềm tự hào về đặc sản quê hương xứ sở, một sản phẩm văn hóa do chính tôi chăm chút tạo ra.

p2.jpg
Để có một nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Israel hay như các nước Châu Âu, Châu Mỹ, ngoài công nghệ, những phát kiến về giống và kỹ thuật thì yếu tố quan trọng vẫn là văn hóa. Văn hóa trong sản xuất, trong cung ứng tiêu thụ sản phẩm của chính những người tạo ra nền nông nghiệp đó: những người nông dân.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành và cũng là một chính khách được đánh giá là có cách nghĩ phóng khoáng, một sự hào hoa, lịch lãm khi ứng xử với doanh nghiệp và người dân, vậy ông nghĩ, văn hóa nông dân hiện nay cần như thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Văn hóa đi liền với tri thức hóa, mà muốn tri thức hóa không phải cứ đưa bà con nông dân vào trường để dạy là được. Văn hóa là những cái ứng xử hàng ngày. Văn hóa vỗn dĩ từ xa xưa đã có trong cộng đồng người nông dân mình rồi. Nhưng nhiều khi do chúng ta định vị nó lệch chuẩn thành ra nó bị mai một dần và mất đi. Cái cần nhất bây giờ trước hết là phải phục hồi những giá trị văn hóa ở trong làng xóm, trong cộng đồng người nông dân, sau đó kích hoạt những giá trị văn hóa tốt đẹp tiềm tàng đó để nó tỏa ra, nhân lên. Nông dân Việt Nam mình vốn hồn hậu chất phác và lương thiện, vì thế chúng ta không cần phải lấy cái gì mới lạ du nhập vào. Tôi hay kể với bà con nông dân chuyện về một ông trồng ngô. Một người mà năm nào tổ chức hội chợ, giống ngô của ông đều đạt hạng nhất. Nhiều người thấy lạ là ngô của ông tốt vậy nhưng tới mùa vụ ông lại đem giống ngô của mình đi bán rẻ, thậm chí ông cho mấy ông nông dân xung quanh nữa. Truyền thông hỏi ông tại sao không để bí quyết mà làm giàu, lại đưa giống tốt đi cho và bán rẻ. Ông trả lời: trồng ngô, ngô muốn thụ phấn thì phải nhờ gió thổi phấn, nếu ruộng ngô của tôi tốt nhưng mà ruộng ngô hàng xóm xấu thì cũng lẫn lộn như nhau, kết quả ruộng của tôi tốt cũng sẽ thành xấu. Thành ra tôi giúp người ta chính là giúp tôi. Đó là một câu chuyện đời thường, không nói gì đến văn hóa, nhưng đó chính là văn hóa. Chúng ta hay dạy thanh niên, nông dân làm giàu, nhưng làm giàu có hai nghĩa. Giàu không phải chỉ là tiền bạc, là thu nhập mà phải giàu đời sống tinh thần, giàu sự sẻ chia. Hãy chỉ cho bà con cách làm giàu hơn nữa, chính là tự biết nâng tầm của mình lên, biết nâng cao giá trị văn hóa của chính mình.

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n3.jpg

Phóng viên: Lâu nay nhiều người (tôi muốn nhấn mạnh chữ “nhiều người” bởi vì không phải là tất cả) cứ nhìn thấy cái gì cũ, lạc hậu, thô kệch hoặc là có cái gì đó không thuận mắt thì câu cửa miệng vẫn là: nhìn như nông dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Thực ra bản thân tôi cũng xuất thân từ nông dân, đôi khi cũng thấy chạnh lòng và tự ái.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tại sao chúng ta lại không có một giấc mơ chuyển người nông dân bình thường, lam lũ, chất phác, chân quê tới một người nông dân có tri thức có văn hóa, lịch lãm. Tại sao chúng ta cứ luôn mặc định và cho rằng nông dân chỉ là những người quanh quẩn bên bờ ao, bên thửa ruộng, “quanh năm chân đất đầu trần”. Cũng chính vì thế nên mô tuýp sân khấu hóa hình tượng người nông dân luôn phải là mặc áo màu nâu sòng, đi chân đất, mặt mày lấm lem? Tại sao người nông dân không thể diện com lê, xuất hiện một cách đàng hoàng, đúng không? Đó là một sự phát triển, mỗi giai tầng, mỗi con người cụ thể đều có sự phát triển, tại sao chúng ta lại mặc định như thế. Và rõ ràng khi chúng ta mặc định và cứ cố thủ một hình ảnh về nông dân như thế thì trong tâm thức chúng ta gần như đã chấp nhận câu chuyện đó luôn. Từ suy nghĩ đến hành động, qua từng bài viết, từng chuyên mục, từng tờ báo, hay tác phẩm nghệ thuật chúng ta đều xây dựng một hình ảnh như thế, điều đó khiến cho hình tượng người nông dân cứ bị đóng khung bao đời, dù họ đã thay đổi, đã chuyển mình theo nhịp sống tiến bộ và hiện đại từ lâu. Vì thế, thay vì làm cho người nông dân cảm thấy buồn, tự ti chúng ta phải gợi cho họ một cảm xúc tích cực hơn.

Phóng viên: Vâng, tại sao nông dân không thể lịch lãm và hào hoa được? Lịch lãm và hào hoa không phân biệt giai tầng đúng không ạ? Lịch lãm, hào hoa mà tôi muốn nói ở đây không phải là phục sự, trang phục bên ngoài mà là ứng xử với sản phẩm mình làm ra, ứng xử với người tiêu dùng, Bộ trưởng có đồng ý vấn đề này không ạ?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cái này tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta suy nghĩ và định vị người nông dân như thế nào? Đi các địa phương hay như ngay cả ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các báo cáo, chiến lược, kế hoạch về nông nghiệp ít khi nào chúng ta có một dòng về người nông dân. Một khi chúng ta chưa tư duy về con người thì chúng ta không hành động vì con người, rất nhiều diễn đàn nói về nông nghiệp, chuyên gia cũng nói, nhà khoa học cũng nói, nhà quản lý cũng nói phải thế này phải thế kia, đưa ra biết bao khuyến cáo phải chuyển đổi nông nghiệp thế này thế kia nhưng tôi không hề thấy người ta đề cập đến người nông dân. Bởi vì chúng ta chưa đặt họ vào vị trí trung tâm. Bao đời nay là vậy, nhưng đây là trong quá trình chuyển đổi, đã chuyển đổi thì chúng ta phải hướng đến tích cực hơn, phải định vị hình ảnh người nông dân khác đi và thực sự nông dân chúng ta cũng đã khác đi rồi.

p3.jpg
Tổ chức lại sản xuất, chú trọng tinh thần hợp tác và liên kết, không quá ôm đồm và chạy theo số lượng, sản lượng mà phải tìm ra giá trị cốt lõi của sản phẩm để kích hoạt tâm lý người tiêu dùng, đó chính là những vấn đề nông nghiệp Nghệ An cần quan tâm hiện nay.

Phóng viên: Câu hỏi riêng về Nghệ An ạ. Với rất nhiều lợi thế và dư địa về phát triển nông nghiệp, theo Bộ trưởng, Nghệ An nên phát triển Nông nghiệp theo hướng nào, hay nói chính xác là chúng ta cần làm gì để khắc phục những tồn tại lâu nay?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không có cách nào khác là tổ chức lại sản xuất, nâng cao các tổ chức nông dân lên. Trồng cây gì, nuôi con gì cũng vậy, đầu tiên phải có tinh thần hợp tác, tinh thần liên kết. Không làm được điều đó thì cho dù cây gì, con gì phát triển đến đâu cũng chỉ đột biến một thời gian rồi tan rã, đi xuống. Cam Vinh là một câu chuyện. Nó đã đột biến lên một thời gian rồi nó trở xuống bởi vì thiếu tinh thần hợp tác và không ai nói cho người nông dân biết. Nhiều khi chúng ta không vô can. Bởi khi được mùa, được giá chúng ta đẩy truyền thông lên, người ta trồng nhiều rồi kích thích cho sản lượng cao lên, lại quay trở về vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá và buông bỏ, không đầu tư. Đó là chưa nói đến chuyện càng kích thích thì đất đai càng chai cằn, đất đai chai cằn thì cây trồng thoái hóa, kiệt quệ dần dần, chất lượng sản phẩm đi xuống.

van-hoa-trong-nong-nghiep-va-nong-dan--n12.jpg
Một số sản phẩm OCOP ở Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).

Có một điều tưởng như đơn giản nhưng tôi vẫn muốn nói rõ thêm. Chúng ta đang làm kinh tế nông nghiệp. Mà làm nông nghiệp đừng nghĩ chỉ ra ngoài ruộng cày cấy, trồng trỉa. Không nhất thiết tất cả nông dân cứ đi trồng cam là làm nông nghiệp. Sản xuất chỉ là một mắt xích trong kinh tế nông nghiệp. Còn rất nhiều ngành hàng khác như là thu mua cam, đóng hộp, tạo ra bao bì nhãn mác đẹp rồi đi bán. Đi bán nông sản cũng là làm nông nghiệp; kết nối thương mại điện tử cho bà con cũng là làm nông nghiệp …Đấy chính là tổ chức ngành hàng, hợp tác và liên kết.

Phóng viên: Vậy nếu đưa những giá trị đặc trưng về văn hóa vào các sản phẩm nông nghiệp thì có tạo ra được lợi thế cạnh tranh hay không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đặc sản là gì, nhiều khi chúng ta không hiểu được chữ đặc sản. Đặc sản là một sản phẩm đặc biệt chỉ nơi đó có thôi. Mà nơi đó có không chỉ do thổ nhưỡng, do khí hậu mà còn do truyền thống, do các yếu tố văn hóa cấu thành. Thành ra, người sản xuất và quảng bá, bán đặc sản phải hiểu được điều đó. Cái người ta mua bây giờ là mua sự khác biệt. Lạc ở đâu cũng có, Đồng Tháp có trồng lạc nhưng mà chắc chắn lạc Đồng Tháp sẽ khác lạc Nghệ An. Đó chính là khác biệt về phù sa từ sông Lam, khác biệt về địa tích, về văn hóa. Vấn đề là làm sao chúng ta biết cùng với bà con kể một câu chuyện về sự khác biệt đó. Sen thì Đồng Tháp cũng có nhưng làm sao bằng Nam Đàn, bản thân cái tên Nam Đàn đó đã tạo ra được cảm xúc rồi. Nam Đàn, sông Lam - những địa danh quá hay, quá giàu bản sắc văn hóa. Tại sao chúng ta không gắn đặc sản của quê mình với những cái tên đó mà gắn những cái tên chung chung, không khơi gợi được cảm xúc hay bản sắc riềng. Trà hoa vàng thì ở đâu chẳng là hoa vàng? Sen ở đâu chẳng là Sen? Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa: bây giờ thứ người ta mua là cảm xúc, cảm xúc qua câu chuyện kể.

Phóng viên: Câu hỏi cuối cùng ạ, với những ân tình giành cho xứ nghệ, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm, với Nghệ An những sản phẩm nào có thể xây dựng thương hiệu mang đặc trưng văn hóa của Nghệ An?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Câu này quả đúng là hơi khó. Không phải ít mà có quá nhiều ưu đãi lại càng khó lựa chọn. Thành ra chính người Nghệ An cần có những hội thảo để tìm ra những giá trị cốt lõi của sản phẩm. Nghĩa là mình không đi theo một dòng sản phẩm duy nhất, dù đó là sản phẩm hữu hình, mà từ một dòng sản phẩm sẽ kích hoạt tâm lý người tiêu dùng dõi theo địa phương đó, dõi theo các dòng sản phẩm còn lại của địa phương đó. Chẳng hạn, từ thương hiệu Tương Nam Đàn, chúng ta sẽ dẫn dắt người tiêu dùng hướng đến những câu chuyện nông sản khác của Nam Đàn, của Nghệ An. Đừng viết và xây dựng đề án với quá nhiều sản phẩm mà hãy đi từ 1- 2 sản phẩm chủ lực và làm cho tới nơi, tới chốn. Một điều quan trọng nữa là phải đưa bà con nông dân vào các chương trình đó chứ đừng nên ngồi hội thảo hàn lâm, chỉ lãnh đạo và doanh nghiệp ngồi với nhau mà bỏ quên vị trí, vai trò trung tâm của người nông dân. Người nông dân càng tự tin thì người ta càng chăm chút hơn cho sản phẩm của mình, điều đó quan trọng hơn là đầu tư bao nhiêu vốn, bao nhiêu chi phí cho một đơn vị diện tích.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Thực hiện: Thanh Huyền

 

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến