Tết nghĩ về người nghèo
Đạo lý và tinh thần nhân văn đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” không chỉ mang lại sự ấm áp, nguồn động viên cho mỗi gia đình, cá nhân đơn lẻ, mà chính là sức mạnh tinh thần to lớn, là nguồn lực để người Việt làm cách mạng, thực hiện được nhiều sứ mệnh lịch sử cao cả hơn như giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, văn mình và giàu đẹp hơn.
Vì sao Tết đến xuân về, Đảng, nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ TW đến thôn xóm đều quan tâm chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi Tết cổ truyền mới là thời điểm cảm nhận rõ sự sum vầy, tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào. Cũng chính vì thế, chủ trương “tết cho người nghèo” “không để ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện nhất quán và quyết liệt từ trên xuống dưới, ở khắp mọi bản làng thôn xóm trên dải đất hình chữ S này. Và nhiều năm nay, cứ Tết đến xuân về, thì một nhiệm vụ chính trị quan trọng luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, đó là tổ chức Tết cho người nghèo.
Tết Giáp Thìn – 2024 là năm thứ 13 tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo” với quy mô toàn tỉnh. Phải nói thêm rằng, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm, cũng với mục đích an sinh xã hội, và từ thực tế Nghệ An còn là một tỉnh nghèo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh đã quyết định phát động “Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà chơ người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025”. Một nguồn lực lớn, gần 603 tỷ từ các đơn vị, cá nhân được huy động để thực hiện mục tiêu hỗ trợ 15.300 hộ khó khan về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong vòng 3 năm. Dù vậy, với truyền thống và trách nhiệm của mình, tỉnh Nghệ An vẫn quyết định tổ chức “Tết vì người nghèo Xuân Giáp Thìn – 2024”. Điều đó cho thấy một sự quan tâm, một tinh thần trách nhiệm rất cao từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An đối với người nghèo. Đồng hành với đó là sự sẻ chia, cảm thông của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Không tính những cuộc vận động, những phong trào ủng hộ vì người nghèo, những chương trình thiện nguyện hay các cuộc tổ chức Tết vì người nghèo đơn lẻ, thì sau 13 năm qua, thông qua chương trình “Tết vì người nghèo” cấp tỉnh, hàng nghìn tỷ đồng đã được Nghệ An vận động, quyên góp để lo Tết cho người nghèo trên địa bàn. Những năm đầu, tại mỗi chương trình thường vận động được từ 40-50 tỷ, sau đó, số tiền ủng hộ cứ tăng dần lên 70-80 tỷ, và gần đây là trên 100 tỷ/1 chương trình. Cụ thể từ 2021 đến nay: “Tết vì người nghèo – Tân Sửu 2021” là gần 90 tỷ đồng; “Tết vì người nghèo – Nhâm Dần 2022” là hơn 121 tỷ đồng; “Tết vì người nghèo - Quý Mão 2023” là hơn 137 tỷ đồng. Năm nay, dự báo sẽ khó khăn, nguồn hỗ trợ có thể sẽ giảm, nhưng kết quả sau chương trình “Tết vì người nghèo – Giáp Thìn 2024”, tổng số tiền và quà huy động được trị giá hơn 140 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn tử cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là tình cảm, sự sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm dành cho người nghèo Nghệ An. Toàn xã hội đã vào cuộc để chăm lo Tết cho người nghèo. Và thực sự, chương trình đã có sự lan tỏa, hiệu ứng mạnh mẽ, tạo nên một phong trào nhân văn rộng khắp. Hàng triệu người nghèo đã có quà tết và quan trọng hơn họ được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để vươn lên sau một cái tết ấm áp nghĩa tình đồng bào.
Chăm lo Tết cho người nghèo là chủ trương chung và là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng xã hội, và hơn hết đó là nghĩa cử cao đẹp, tính nhân văn của người Việt. Và lâu nay, Nghệ An đã thực hiện rất tốt. Hàng trăm tỷ quà tết cho người nghèo mỗi năm đối với một tỉnh như Nghệ An là một con số không hề nhỏ. Và đó cũng mới chỉ là con số được tính từ giá trị của quà, tiền ủng hộ trực tiếp. Còn một nguồn lực vô hình khác không đo đếm được, đó là thời gian, nhân vật lực tổ chức chương trình, vận động quyền góp, phân bổ và đi trao quà cho hàng chục nghìn gia đình mỗi Tết.
Tỉnh, các cấp ngành, cộng đồng doanh nghiệp và xã hôi luôn làm hết sức mình nhưng vẫn còn đó nhiều hoàn cảnh éo le, nhiều số phận kém may mắn cần được giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để họ vươn lên. Theo số liệu thống kê, đến hết 2023, toàn tỉnh vẫn còn 45.000 hộ nghèo và đặc biệt trong năm có gần 11.000 lao động nộp hồ sơ đăng kí thất nghiệp. Áp lực về an sinh xã hội chưa bao giờ giảm đi. Nghèo có nhiều đối tượng. Có những đối tượng nghèo do khách quan như thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, mất việc làm. Có đội tượng lại nghèo không nhìn thấy lối thoát do tai nạn, bệnh tật, yếu thế, dễ bị tổn thương và không có khả năng lao động. Một đối tượng nữa nghèo do không có ý chí vươn lên, không chịu làm việc và chỉ trông chờ, ỷ lại nhà nước. Tùy vào tính chất, phân loại đối tượng nghèo để chúng ta có sự hỗ trợ, giúp đỡ đúng, trúng và ý nghĩa hơn.
Tết vẫn cần sự sẻ chia, vẫn cần những nghĩa cử cao đẹp chăm lo cho người nghèo. Nhưng lâu dài hơn vẫn là sinh kế bền vững. Hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhiều năm nay, cùng với từ phía cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội, nhiều người nghèo cũng đã tự giác và chủ động vươn lên, nỗ lực để không bị lệ thuộc vào nguồn hỗ trợ của nhà nước. Đây đó ở các huyện núi cao đã có mô hình giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong chính những người nghèo “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, hay tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Bởi bản thân nhiều người, nhiều hộ gia đình đã không muốn mình là gánh nặng của xã hội, họ không hề mong muốn năm nào cũng nhận quà tết với tâm thế của người nghèo. Và tất nhiên chính quyền, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm càng không muốn năm nào cũng đến trao quà tết cho một gương mặt thân quen nào đó. Vì thế từ việc chăm lo tết cho người nghèo, nhà nước, cấp ủy chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp càng phải có nhiều hơn nữa các hình thức hỗ trợ người nghèo, để nguồn hỗ trợ thực sự ý nghĩa và đúng, trúng như chủ trương mỗi đơn vị nhận giúp đỡ một xã nghèo mà Nghệ An triển khai nhiều năm nay.
|