Rỉ rả với nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA

Một ngày thu mát trời, như đã hẹn tôi gặp ông Nguyễn Đình Lương tại tư gia, cách Gò Đống Đa chừng vài trăm thước. Hơn 23 năm trước, ông là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (gọi tắt là BTA). Biết tôi muốn gợi chuyện cũ, ông Lương vẫn đôi mắt lanh lợi, giọng sôi nổi: Hơn hai năm bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nền kinh tế không ít quốc gia sụt giảm, nhưng Việt Nam vẫn khá ổn định. Đáng chú ý là xuất khẩu năm 2022 sang Mỹ ở trạng thái gia tăng, đạt hơn 109 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ đạt 14,47 tỷ USD, đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 123,86 tỷ USD (tăng 11% so với năm 2021). Thật là một con số vượt trội so 1996 (chỉ 450 triệu USD). Mỹ là thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng bởi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp, ngặt nghèo. Vậy mà đến nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và ngược lại Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta. Còn tính chung thì năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam cán mốc 732,5 tỷ USD (tăng 9,5% so 2021).

Các thành viên đoàn đàm phán BTA của Việt Nam

Điều phấn khởi là sau Hiệp định BTA, tiếp đó là chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã khiến hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước không ngừng mở rộng, đến nay chúng ta đã có quan hệ thương mại với khoảng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tự do thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và UKFTA; gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư...Riêng quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ theo chiều hướng ngày càng sáng sủa. Bởi trong mắt người Mỹ, Việt Nam có vai trò to lớn ở khu vực nên sắp tới trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, có thể họ muốn nâng cấp quan hệ lên một nấc mới.

- Những năm tháng ngồi trên bàn đàm phán, anh có nghĩ về triển vọng nền kinh tế đất nước phát triển như ngày hôm nay không?

Thực lòng mà nói khi đó chỉ mong ký được hiệp định sẽ mở ra điều kiện thông thương và hợp tác làm ăn với nước ngoài thuận lợi hơn thôi, chứ chưa dám nghĩ nền kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng như ngày nay. Bởi nhớ lại bối cảnh khi khởi động đàm phán, Việt Nam và Mỹ mới chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao (tháng 7/1995), đưa quan hệ hai nước trở thành đối tác. Những dư âm của nền kinh tế quan liêu, bao cấp vẫn còn đeo đẳng đã đành, trong tư tưởng cán bộ đảng viên có sự băn khoăn. Sau này nhìn lại mới thấy góp phần khai thông sự cấm vận của Mỹ cũng như đi đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là nhờ có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm với các Ngoại trưởng Mỹ Christophe và Albright thời đó.

Hai Trưởng đoàn Mỹ và Việt Nam thời điểm ký tắt BTA

Một năm sau bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ gửi cho ta Bản dự thảo Hiệp định Thương mại song phương, "luật chơi" được Mỹ ghi rõ: Các điều khoản sẽ được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của tổ chức WTO và có sự tham chiếu từ Hiệp định NAFTA (Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ gồm Canada, Mỹ và Mexico). Bản thân tôi khi đó đã có gần 20 năm trong nghề đàm phán, nhưng chủ yếu là làm với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây (như Liên Xô, Trung Quốc, Hungari, Tiệp Khắc, Ba Lan...) rồi sau đó là các quốc gia Singapore, Na Uy mà chưa va chạm với quốc gia tư bản sừng sỏ nào. Cho nên khi được một Phó Thủ tướng thời điểm đó chỉ đích danh Nguyễn Đình Lương làm vai Trưởng đoàn ngồi "đối chất" với Mỹ, mình cũng có chút do dự, lo lắng. Bởi sau đại thắng mùa xuân 1975,  đất nước được thống nhất, Mỹ chưa hết cay cú nên thực hiện cấm vận Việt Nam suốt 20 năm liền; trong khi viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũng nhỏ giọt và đi đến chấm dứt. Tư tưởng duy ý chí, đi liền một số sai lầm trong chính sách kinh tế đã dẫn đến cơn khủng hoảng trầm kha suốt từ 1978 đến 1985. Chẳng thế mà trong thời kỳ này, đây đó truyền tụng câu ca cười ra nước mắt: "Nghệ Tĩnh mình ơi Trung ương gọi lấy mì". Hay tâm trạng của người lao động mong qua cơn bĩ cực "Bao giờ dân mình hết lo/ Thôi ăn sắn mốc, bo bo qua ngày"...

 Trở lại chuyện đàm phán thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ những năm 1996 - 2000, ông Nguyễn Đình Lương đưa ánh mắt xa xăm. Thú thật, khi nhận chỉ thị của cấp trên, những người tham gia trong đoàn đàm phán phía Việt Nam trong đó có tôi chỉ hiểu biết về Mỹ một cách “chàng màng”. Các thông tin về Mỹ thời ấy vô cùng khan hiếm. Cho nên tôi phải giành thời gian tìm đọc và nghiên cứu, tranh thủ buổi trưa, buổi tối; suốt mấy tháng liền không có khái niệm Chủ nhật hay ngày nghỉ lễ, có việc riêng quan trọng cũng đành gác lại để tập trung cho tìm hiểu, nghiền ngẫm về Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trước đây đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa cũ, thể chế chính trị giữa họ và ta cơ bản giống nhau, mô hình kinh tế không có nhiều khác biệt, lại còn "tình hữu nghị anh em" nên việc đàm phán diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là Joe Damond, một người kém ông Lương hơn 20 tuổi, có thiện cảm với Việt Nam. Song như thế cũng chỉ là một yếu tố thuận lợi thôi. Bởi khi bước đầu đàm phán BTA, Việt Nam vẫn chưa dứt được nền kinh tế theo cơ chế tập trung bao cấp, trong khi những nội dung của đàm phán BTA được thiết kế một khung pháp lý điều tiết mọi hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ theo cơ chế một nền kinh tế thị trường, dưới sự dẫn dắt của các quy định, chuẩn mực của WTO - hoàn toàn xa lạ với hệ thống luật pháp của Việt Nam khi đó.

Ông Nguyễn Đình Lương gặp mặt và bắt tay Tổng thống Clinton tại Nhà Trắng ngày 13/7/2000

Ông Nguyễn Đình Lương nhớ lại: Tháng 9/1996, ngồi vào bàn đàm phán, trước mắt mình là bản dự thảo Hiệp định do phía Hoa Kỳ chuyển đến với những khái niệm mới, xa lạ như dịch vụ, cạnh tranh, logistic, sở hữu trí tuệ, tối huệ quốc, cổ phần, cổ phiếu, tư nhân hóa... Sau nhiều tháng đọc và nghiên cứu tài liệu liên quan đến văn hóa, luật pháp của Mỹ, những quy định trong các Hiệp định NAFTA của tổ chức WTO cũng như tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia đã hợp tác làm ăn với Mỹ, phía Việt Nam đã thiết kế mới hoặc điều chỉnh những gì phù hợp trong 7 Chương gồm 72 Điều và 7 phụ lục của bản Hiệp định. Dĩ nhiên theo đó Việt Nam phải xây dựng mới và sửa đổi hàng loạt bộ luật cho thích hợp với hội nhập quốc tế. Vừa nói ông vừa lật giở bản dự thảo Hiệp định BTA dày cộp cách đây hơn 23 năm mà chính ông và các cộng sự đã gạch, xóa, thêm, bớt để hoàn chỉnh sau 10 phiên đàm phán.

- Tôi biết là ngồi "đối chất" với Mỹ suốt mấy năm liền hết sức căng thẳng và phức tạp, nhưng vì sao các anh vẫn quyết tâm theo đuổi.

Ông biết rồi đấy, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới từ năm 1986 nhưng suốt nhiều năm liền vẫn chưa thoát ra khỏi tư tưởng bao cấp trì trệ. Trong khi không ít quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần ta hơn là Thái Lan, Singapore bắt tay làm ăn với Mỹ thì hà cớ gì Việt Nam phải đứng ngoài. Dưới sự định hướng và gợi mở của bác Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao khi đó và Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, tôi nói với anh em trong đoàn phải kiên trì và bằng mọi giá để ký được BTA "dù có chết trên bàn đàm phán". Bởi như thế mới phá bỏ được tư duy theo cơ chế cũ, mở cửa hội nhập cho nền kinh tế nước nhà phát triển. Trong hai ngày 12 - 13/9/1999, nhân dự Hội nghị cấp cao APEC tại thành phố Aukland  (New Zealand), Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Clinton đã có các cuộc tiếp xúc riêng, trao đổi một số vấn đề trong quan hệ song phương. Nếu không có một vài trục trặc nhỏ về kỹ thuật, Hiệp định BTA đã được ký trong dịp này.

 

Tổng thống Mỹ Bill Clinton chủ trì họp báo tại Nhà trắng sau khi Hiệp định BTA được ký kết

Khoảng 10 tháng sau, ngày 3/7/2000, Đoàn đàm phán Việt Nam có mặt tại Washington D.C để hoàn tất các tiểu tiết còn lại, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan sang sau mấy hôm. Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Đình Lương và Trưởng đoàn phía Hoa Kỳ Joe Damond trao đổi, thống nhất một số vấn đề và dự tính chọn ngày 11/7 là ngày hai Bộ trưởng "hạ bút". Hiệp định BTA ký được vào ngày này (tức ngày 11/6 âm lịch năm đó, đúng ngày giỗ cha ông Lương) thì hạnh phúc biết bao. Nhưng rồi ông Joe Damond báo lại ngày giờ ký là do Tổng thống quyết định, bởi Tổng thống muốn dành cho mình cái quyền là người đầu tiên thông báo với thế giới về sự kiện ký kết một Hiệp định hệ trọng giữa hai quốc gia trên tinh thần hòa giải, cùng có lợi. Nhận được thông báo từ Nhà Trắng đúng 13 giờ ngày 13/7 hai đoàn gặp nhau để ký. Sáng sớm hôm đó ông Nguyễn Đình Lương và Luật sư Nguyễn Hồng Dương đôn đáo tìm cách in Hiệp định từ trong đĩa ra giấy trắng Mỹ, rồi chụp lại, in chụp gần 300 tờ cho hai bộ của Việt Nam và Mỹ. Trưởng đoàn Việt Nam và Trưởng đoàn phía Mỹ ký nháy mỗi người gần 600 chữ ký vào văn bản hai bộ Hiệp định rồi đệ trình để Bộ trưởng Vũ Khoan và đại diện thương mại Mỹ Barshefsky đặt bút ký trước sự chứng kiến của hai đại sứ và các quan khách hai phía. Đến giờ chuẩn bị họp báo, Nguyễn Đình Lương và các thành viên đoàn Việt Nam được dẫn vào phòng khách Roosevelt, tại đây đã có mặt các nhân vật quan trọng như Thượng nghị sĩ John Mc Cain, Thượng nghị sĩ John Kerry, đại diện thương mại Barshefsky, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Peterson, Trường đoàn Joe Damond... Ngoài vườn Nhà Trắng, chiếc trực thăng chở Tổng thống Bill Clinton từ Trại David, nơi ông đang tổ chức cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine cũng vừa hạ cánh. Tổng thống bước nhanh, cười vui bắt tay từng người rồi đứng vào chụp ảnh với Bộ trưởng Vũ Khoan và một số người đi cùng. Trong buổi họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng (Hãng CNN truyền hình trực tiếp), Bill Clinton nói lướt qua việc bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam; quá trình tìm kiếm để có thể ký Hiệp định Thương mại giữa hai nước sau gần 5 năm ròng. Và ông kết thúc bài diễn văn "Hiệp định này là một điều nhắc nhở rằng, những kẻ thù có thể đến với nhau và tìm được tiếng nói chung theo cách cùng có lợi cho Nhân dân họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai". Clinton không quên "cảm ơn Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Đình Lương" và những người đã có đóng góp cho cuộc đàm phán Hiệp định BTA...

Ông Nguyễn Đình Lương và tác giả

Ra khỏi các trạm gác Nhà Trắng vài chục bước, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan vỗ vai Nguyễn Đình Lương, nói vừa đủ nghe "cụ Cầm điện sang bảo ký xong thì triệu ông Lương về để báo cáo Bộ Chính trị, vì ở nhà đang chờ".

“Chủ trò” của đoàn đàm phán Việt Nam thì cảm thấy tâm hồn thư thái, lâng lâng bởi đã “cất được gánh nặng trên đôi vai gầy còm của anh thợ cày” (như ông tự nhận). Thế là, những tháng cuối năm 2000 và các năm 2001, 2002, cũng như kỷ niệm 10 năm, 20 năm ngày ký Hiệp định BTA, ông Nguyễn Đình Lương được các bộ, ngành trung ương và các địa phương mời đến nói chuyện, trao đổi về BTA. Riêng ông Joe Damond, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ký kết Hiệp định, tiếp tục hoạt động kinh tế - thương mại tại một số quốc gia Châu Á. Ở Việt Nam những năm qua, ông đã và đang tiến hành một số dự án thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Vợ chồng ông Nguyễn Đình Lương và con gái

Năm 2022, trả lời phỏng vấn một tờ báo ở Hà Nội, Joe Damond cho biết: Hiệp định BTA là "chìa khóa" cho Việt Nam gia nhập WTO cũng như tham gia vào CPTPP, EVFTA... Bây giờ xuống sân bay Nội Bài về Hà Nội, tôi thấy quá nhiều đổi thay; khá nhiều nhà máy, doanh nghiệp mọc lên. Việt Nam đã thu hút được nhiều tổ chức kinh tế lớn của thế giới vào đầu tư và dĩ nhiên đời sống người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Đúng như ông Lương nói sau Hiệp định BTA, Việt Nam thực hiện “lối rẽ của một nền kinh tế”. Từ đàm phán BTA tôi tìm thấy sự chân thành, mẫn cán nhưng cũng rất mềm dẻo, linh hoạt và kiên định của Trưởng đoàn Nguyễn Đình Lương với lợi ích của dân tộc mình. Những năm gần đây, tuy làm việc khác nhưng mỗi lần đến Việt Nam tôi đều tìm cách liên lạc và gặp gỡ ông Lương để hàn huyên, trò chuyện và càng thấy yêu quý Việt Nam hơn .

Nguyễn Khôi

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến