Lập pháp kiến tạo và dấu ấn của Quốc hội

 

Đến hết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2023 và 2024.

Đây thực sự là những con số ấn tượng, nhất là trong bối cảnh Quốc hội phải thực hiện khối lượng công việc vô cùng lớn trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, ngoại giao nghị viện... với nhiều việc mới, khó, phức tạp chưa có tiền lệ phát sinh do tác động của đại dịch Covid-19 để cùng với Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương của Đảng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Nhưng ấn tượng hơn cả những con số chính là tầm nhìn của Quốc hội trong công tác lập pháp, đó là, lập pháp phải vì cuộc sống, phải dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển và hành động quyết liệt của Quốc hội để hiện thực hoá tầm nhìn này.

Xác lập ưu tiên lập pháp toàn khóa và tầm nhìn chiến lược
_________

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định và yêu cầu gắt gao với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan trình dự án luật về tinh thần lập pháp phải vì cuộc sống, phải dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển. Và điều này được thể hiện trước hết ở việc Đảng đoàn Quốc hội đã chuẩn bị và trình Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 81/2021/UBTVQH15 để triển khai cụ thể Kết luận 19-KL/TW. Kết luận 19-KL/TW và Kế hoạch số 81 đã xác lập định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa với 137 nhiệm vụ lập pháp, các ưu tiên của Quốc hội và kế hoạch rõ ràng cho từng nhiệm vụ.

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác lập pháp của Quốc hội đã được thực hiện theo đúng yêu cầu tại Kết luận 19-KL/TW và Kế hoạch số 81, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển, xuất phát từ yêu cầu cuộc sống, vì cuộc sống, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phản ứng nhanh chóng trước những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy khẳng định, chính sự chuẩn bị căn cơ ngay từ đầu nhiệm kỳ như vậy đã làm cho công tác lập pháp của Quốc hội thời gian qua được tiến hành chủ động, vững vàng. “Chúng ta tham gia với Chính phủ, các cơ quan hữu quan ngay từ khâu rà soát, tổng kết thực tiễn nên các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm rất chắc những vấn đề gì tồn tại, bất cập, những vấn đề gì mới phát sinh do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới nên khi thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý rất thuận lợi”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, thực tiễn công tác lập pháp vừa qua đã khẳng định tính đúng đắn, sự sáng suốt và tầm nhìn dài hạn của Đảng đoàn Quốc hội với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cùng với một Định hướng chương trình lập pháp toàn khóa căn cơ là việc tổ chức thực hiện rất khoa học, bài bản, có kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan đầu mối trong thực hiện Kế hoạch số 81; đồng thời giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thực hiện nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch số 81 thường xuyên, liên tục, hàng tháng phải có báo cáo gửi về Ủy ban Pháp luật. Không chỉ giới hạn, "đóng cứng" trong 137 nhiệm vụ lập pháp đã xác định mà Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội luôn yêu cầu Thường trực các cơ quan của Quốc hội và đề nghị các cơ quan hữu quan phải thường xuyên rà soát pháp luật trong lĩnh vực phụ trách để kịp thời kiến nghị những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện với mục tiêu cao nhất là kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển.

“Đó là điểm nhấn quan trọng của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, thể hiện rất rõ vai trò chủ động, dẫn dắt của Quốc hội trong công tác lập pháp nói riêng và trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới nói chung”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy khẳng định.

Lập pháp kiến tạo và dấu ấn của Quốc hội -0
Ảnh: Hồ Long

“Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trang trọng tại Nhà Quốc hội - "Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc". Khát vọng hùng cường, khát vọng phát triển và ý chí quật cường của dân tộc phải trông chờ vào các đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định, trong đó có đột phá về thể chế. Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội còn lớn lắm. Làm sao để chúng ta có một hệ thống pháp luật về mặt hình thức phải đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, nhưng về mặt nội dung phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững hơn nữa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa. Đó là điều chúng ta phải trăn trở. Chúng ta xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế là để kiến tạo cho sự phát triển”.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Tinh thần kiến tạo xóa bỏ những "căn bệnh" trầm kha
_________

Thực tiễn công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay còn “công phá” và xóa bỏ những tồn tại cũ, thậm chí là những "căn bệnh" trầm kha từng gây bức xúc.

“Bây giờ, Quốc hội không có chuyện ngồi chờ, không có chuyện “bắc nước chờ gạo người”, mà chủ động vào cuộc, nghiên cứu từ sớm, từ xa để thống nhất với Chính phủ. Có những vấn đề qua nghiên cứu, qua tiếp nhận thông tin từ các kênh chúng tôi thấy cần thiết, cấp bách mà Chính phủ chưa trình thì Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ trình, hoặc chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với cử tri huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng trước thềm Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Và quả thực, đúng như cam kết của người đứng đầu cơ quan lập pháp, những ngày đầu tháng 8.2021, khi Kỳ họp thứ Nhất vừa kết thúc chưa đầy nửa tháng, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực đã làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội về 7 dự luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai.

Đó không phải là “một phiên họp chung, nghe hết một lượt” mà là nghe từng dự án luật. Khi đó, có những dự án luật thậm chí còn chưa có hồ sơ gửi đến các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu "nói gì đến thẩm tra sơ bộ". Nhưng qua các cuộc làm việc từ rất sớm, rất xa như vậy, những vấn đề cốt lõi, những định hướng, mục tiêu phải đạt được của từng dự án luật đã được xác định, làm cơ sở cho Thường trực các Ủy ban tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động để khi hồ sơ dự án luật được cơ quan trình gửi đến thì có thể thẩm tra được ngay.

Trong số 7 dự án luật đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV có dự luật tưởng chừng phải rút khỏi chương trình do cơ quan trình không chuẩn bị kịp, như dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhưng qua làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, lãnh đạo Quốc hội nhận thấy, dự luật này "không thể trì hoãn thêm". Vì thế, cơ quan thẩm tra và cơ quan trình đã "làm ngày làm đêm", đồng hành chặt chẽ để cùng tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự luật. Và, dù trong thời gian rất gấp, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bản dự thảo Luật cuối cùng được Quốc hội thông qua (tại Kỳ họp thứ Ba) với tỷ lệ tán thành cao, hơn 90%; tạo lập khuôn khổ pháp lý với nhiều chính sách đột phá để phát triển điện ảnh không chỉ với tư cách một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Hay như dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), khi dự luật mới được cơ quan soạn thảo đưa ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội kinh doanh đã bày tỏ băn khoăn, lo ngại, thậm chí có kiến nghị gửi đến các cơ quan của Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội. Nhưng qua quá trình làm việc từ sớm, từ xa, cho ý kiến nhiều lần của Lãnh đạo Quốc hội và cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan soạn thảo, thì bản dự luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai đã có sự thay đổi cơ bản về chất lượng, tiệm cận với các thông lệ tốt, các chuẩn mực pháp luật của quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và hướng đến thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.

Thời điểm đó, sự chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như vậy cũng khiến một số ý kiến băn khoăn, liệu Quốc hội có đang “làm thay”, thậm chí là “lấn sân” cơ quan trình hay không? Nhưng thực tiễn chất lượng lập pháp được nâng lên rõ rệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay có lẽ đã phần nào trả lời thỏa đáng cho những băn khoăn này.

Và đến nay, sự chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa đã trở thành nền nếp làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, được chính các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình dự án luật trân trọng, cảm ơn, đồng thời cũng chủ động và tích cực hơn trong việc giải trình, tiếp thu các ý kiến để dự luật được chuẩn bị tốt hơn, chất lượng hơn. Điều này cũng đã xóa bỏ “định kiến” của nhiều đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu “hầu như đều có vấn đề, bởi các cơ quan trình vẫn có tâm lý giai đoạn này chỉ là cày vỡ rồi sau đó, trên cơ sở ý kiến của Quốc hội mới tiếp tục hoàn thiện”.

Một tồn tại khác - từng gây bức xúc cho nhiều cơ quan chủ trì thẩm tra trong những nhiệm kỳ trước, đó là tình trạng cứ đến giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, thì một số cơ quan chủ trì soạn thảo lại coi đây là việc của Quốc hội và “phó mặc” cho cơ quan chủ trì thẩm tra, thậm chí có cơ quan chỉ cử cấp tham mưu, giúp việc tham dự các phiên họp tiếp thu, chỉnh lý khiến nhiều vấn đề khó, phức tạp, còn ý kiến khác nhau khó tìm được phương án xử lý tốt nhất - thì đến nay đã không còn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần chia sẻ rằng, câu chuyện “đổi vai hay không đổi vai - tức cơ quan nào chủ trì báo cáo Quốc hội khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng không còn quan trọng nữa”. Không phân biệt “quyền anh”, “quyền tôi”, “sân anh”, “sân tôi”, Chính phủ và Quốc hội đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nhau, rà soát kỹ lưỡng từng nội dung, vừa kiên trì thực hiện quy chế làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương vừa phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe nhau, thuyết phục nhau, có lý có tình để bảo đảm cao nhất chất lượng và tiến độ dự luật.

"Chức trách, nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm, cùng thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, đến cùng. Lãnh đạo Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng hết sức tích cực, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật, không còn tình trạng “giao phó - giao cho cấp phó” như trước đây nữa. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”, Chủ tịch Quốc hội nói tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8.2022.

“Trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội sẽ tăng cường hơn nữa vai trò chủ động, dẫn dắt của Quốc hội trong xây dựng hệ thống pháp luật kiến tạo sự phát triển”.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Lập pháp kiến tạo và dấu ấn của Quốc hội
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: TTXVN

Luật phải là chính cuộc sống!
_________

Tư duy kiến tạo, tầm nhìn xa, hành động quyết liệt của Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong công tác lập pháp còn thể hiện đậm nét ở những nỗ lực đổi mới nhằm đưa cuộc sống vào luật, để luật pháp chính là lăng kính phản chiếu cuộc sống.

Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định mạnh mẽ và nhất quán thông điệp phải đưa cuộc sống vào luật. “Suy cho cùng, luật pháp chính là cuộc sống. Trước hết, chúng ta phải hiểu biết thực tiễn, phải đưa được cuộc sống vào luật thì luật mới khả thi, mới đi vào cuộc sống và kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển”.

Thực hiện đúng quan điểm này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã đa dạng hóa các hình thức và cấp độ lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động và tham vấn chuyên gia về các dự luật. Không chỉ các cơ quan chủ trì thẩm tra, chủ trì tiếp thu giải trình các dự án luật lắng nghe mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực cũng liên tục chủ trì, tham dự các cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, trực tiếp tiếp xúc, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đa dạng hóa các kênh tiếp nhận, lắng nghe ý kiến nhân dân về các dự thảo luật đang hoặc sẽ được Quốc hội thảo luận, quyết định. Có nội dung đến “phút thứ 89” trước khi trình Quốc hội thông qua vẫn nhận được ý kiến, đề xuất, vẫn còn ý kiến khác nhau thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tiếp tục lắng nghe và giải trình đến cùng để quyết đáp của Quốc hội thực sự thuyết phục.

Là cơ quan được giao thực hiện chức năng phản biện xã hội, tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 17.2 năm nay, các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặc biệt đánh giá cao tinh thần đổi mới mạnh mẽ, dân chủ và hành động quyết liệt của Quốc hội Khóa XV trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. "Hoạt động của Quốc hội đã thể hiện rõ nét tinh thần gần dân, lắng nghe nhân dân, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của nhân dân, đưa cuộc sống vào hoạt động nghị trường và các quyết sách của Quốc hội nhiều hơn, do đó, được nhân dân tin tưởng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng ý kiến góp ý, phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự án Luật. Không khí trong xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ và có chiều sâu hơn”, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh. 

Từ góc độ cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặc biệt ấn tượng với mức độ tham vấn và lắng nghe sâu rộng của Quốc hội trong công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. “Có lẽ giai đoạn vừa rồi, các hoạt động này của Quốc hội được tiến hành rộng rãi nhất. Quá trình thảo luận, thông qua các dự án luật hay chính sách thì hoạt động lắng nghe, tham vấn đều được chú trọng, thực hiện thực chất. Có những dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, VCCI được các cơ quan của Quốc hội gửi lấy ý kiến đến 4 - 5 lần. Phải nói là không có rào cản, cản trở gì từ phía cơ quan lập pháp cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng và thông qua chính sách”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Quan sát nghị trường và cũng trực tiếp tham gia nhiều hoạt động tham vấn chuyên gia của các cơ quan của Quốc hội, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, “hơi thở cuộc sống rất đậm nét trong nghị trường”.

Vẫn còn rất nhiều những dấu ấn đặc biệt của Quốc hội trong công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay và chắc chắn sẽ còn thêm rất nhiều những dấu ấn khác được viết tiếp trong chặng đường tiếp theo - những dấu ấn được xây dựng và vun đắp trên tinh thần kiến tạo, tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân lên trên hết và trước hết của Quốc hội.

Hơn hai năm trước, 2 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp gỡ cởi mở, thân tình với các cơ quan thông tấn báo chí. Nhắc lại với các nhà báo lời tâm tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chén vui thì mừng buổi hôm nay/ Chén mừng thì phải đợi ngày này 5 năm sau”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ rằng, sau nhiệm kỳ 5 năm nhìn lại mới chắc chắn Quốc hội có thực sự xứng đáng với sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân hay không. Nhưng với thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong hơn 2 năm qua, cử tri và nhân dân đều đã có câu trả lời cho riêng mình!

Còn với chúng tôi, những người may mắn được theo sát các hoạt động của nghị trường, đặc biệt là công tác lập pháp thì Quốc hội đã, đang và chắc chắn sẽ hiện thực hóa thành công chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Đó là: "Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội".

Phạm Thúy
Duy Thông trình bày
Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến