Đi xa càng hướng về
Từ nhiều thập kỷ nay, cộng đồng người Nghệ nơi đây đã coi Sài Gòn, coi miền đất phương Nam là quê hương thứ hai của mình. Để rồi càng đi xa, mỗi người lại càng nhớ và hướng về, càng yêu hơn quê hương xứ sở, mong muốn đóng góp trí tuệ, công sức hơn nữa cho sự phát triển của quê nhà xứ Nghệ.
Cơn mưa rào bất chợt đầu mùa mưa Sài Gòn như món quà thú vị dành cho những người vừa từ miền gió Lào, nắng lửa về với phương Nam. Bên mái hiên một nhà hàng bình dân, nhiều anh em người Nghệ đã tề tựu, tay bắt mặt mừng, chuyện nổ như ngô rang xứ Nghệ và rượu bia cứ ào ạt, lai rai tới tận khuya như người Sài Gòn thứ thiệt.
Chưa có một thống kê nào về số lượng người Nghệ đang học tập, sinh sống, làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mấy năm trước, một lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ước tính là 1 triệu người; có ý kiến cho rằng còn nhiều hơn số đó. Và có lẽ cần có sự đầu tư nghiên cứu thấu đáo về đề tài rất đáng được quan tâm này.
Ngược dòng lịch sử, từ năm 1558 chúa Nguyễn Hoàng (1524 - 1613) đã “mang gươm đi mở cõi”, đưa nhiều con em Thanh - Nghệ Nam tiến, khai khẩn những vùng đất mới. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627 - 1777), mỗi lần kéo quân ra Bắc giao tranh, khi trở về chúa Nguyễn đều tuyển thêm dân binh, chủ yếu là người Nghệ vào Nam lập ấp, mở mang thêm bờ cõi. Sau ngày 30/4/1975, những người lính vượt Trường Sơn vào giải phóng miền Nam, rồi nhận nhiệm vụ ở lại chung sức xây dựng Thành phố mang tên Bác. Tiếp đó là thế hệ những người trẻ vào Nam học tập, lao động, lập nghiệp. Người trước dẫn lối cho người sau, người có chút ít ăn nên làm ra dìu dắt, cưu mang con cháu, người thân từ quê vào. Cứ thế, gần nửa thế kỷ qua đã hình thành, phát triển nên cộng đồng người Nghệ đông đảo và có dấu ấn, bản sắc nơi miền đất phương Nam nhiều nắng gió này.
Hội Doanh nghiệp Nghệ - Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố. Tổ chức hội hiện có hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn là hội viên, tham gia sinh hoạt rất hiệu quả. Hỏi về ước tính số doanh nghiệp là người Nghệ trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Hữu Thống, Chánh Văn phòng Hội cho biết: chưa thể thống kê được, và tiếp tục mở rộng đoàn kết, tập hợp thêm hội viên là mục tiêu hoạt động của Hội trong thời gian tới. Theo ông Chu Minh Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Diễn Châu, chỉ riêng trong số con em là người Diễn Châu đã có hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động và có nộp thuế hàng năm. Được biết, nhiều người rời quê với hai bàn tay trắng, vào làm công trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; vừa làm, vừa học hỏi, rồi tự tin tách ra lập doanh nghiệp. Họ quy tụ anh em, bạn bè, từng bước nỗ lực vượt khó, trụ vững với thị trường rộng mở, song cũng rất nhiều cạnh tranh, thách thức này. Những năm qua, một số doanh nghiệp ăn nên làm ra ở phương Nam đã trở về quê nhà đầu tư hàng trăm tỷ đồng, vừa giải quyết việc làm cho lao động ở quê, vừa góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách rất đáng kể cho tỉnh nhà.
Từ nhu cầu giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày, nhiều hội đồng hương cấp huyện, cấp xã của Nghệ An, Câu lạc bộ Doanh nhân Lam Hồng, Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ… đã được thành lập. Với tinh thần: Đoàn kết - Trách nhiệm- Chia sẻ - Hướng về quê hương, những năm qua các tổ chức Hội, Câu lạc bộ này đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ bà con từ quê vào làm ăn, sinh sống; góp công, góp của cho nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở quê nhà. Mỗi lần quê nhà gặp thiên tai bão lũ, mỗi công trình xây dựng nông thôn mới ở quê, mỗi dịp Tết vì người nghèo, việc xoá nhà tạm bợ cho gia đình khó khăn…bà con phương Nam lại bồn chồn, thao thức, lại sẵn lòng chắt chiu tiền của gửi về quê. Chỉ riêng đợt dịch Covid-19 gần đây, Hội Doanh nghiệp Nghệ - Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời huy động được 3 tỷ đồng, chi phí cho 10 chuyến bay, đưa được 2.121 người già, phụ nữ, trẻ em về quê an toàn. Ngay tại địa bàn Thành phố, Hội đã quyên góp được gần 8 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 8.000 bà con bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Hội đồng hương một số xã đã nỗ lực giúp đỡ, động viên bà con ở lại, để giảm bớt gánh nặng cho quê nhà. Điều gì đã là sợi dây kết nối, làm nên những nghĩa cử quý giá đó ngoài hai tiếng “quê nhà” giản dị mà rất đỗi thiêng liêng.
Ngay từ khi được thành lập, tổ chức của những người “vác tù và hàng tổng” này đã gắn kết hàng chục ngàn bà con quê hương thông qua Hội đồng hương các huyện, các xã; đăng ký ủng hộ 215 căn nhà cho người nghèo nơi quê nhà và sẽ thực hiện xong trong 3 năm tới. Những nhà văn hoá xóm, nhiều máy tính cho trường học, hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo cũng đã được các Hội, Câu lạc bộ, nhiều tấm lòng hảo tâm âm thầm dành dụm cho quê. Mới đây, tại cuộc gặp mặt thường niên để nghe tình hình quê hương, chia sẻ cơ hội hợp tác, làm ăn…, Hội đồng hương Nghệ An tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp được hơn 3 tỷ đồng từ đông đảo hội viên, ủng hộ xây dựng Trường Tiểu học Bắc Lý 2, huyện Kỳ Sơn, ngôi trường bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét kinh hoàng vào cuối năm 2022. Trước đó, ngay sau cơn lũ, Hội doanh nghiệp Nghệ - Tĩnh và Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ đã về tận Kỳ Sơn chia sẻ với bà con hoạn nạn nơi đây sự ủng hộ thiết thực.
Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp tại Nghệ An luôn dành sự quan tâm đối với bà con quê hương ở trong và ngoài nước; xác định cộng đồng người Nghệ xa quê là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Các giải thưởng lớn thường niên như Cup vàng doanh nhân xứ Nghệ, Giải thưởng Quỹ tâm tài Nghệ An… đều có những gương mặt của người xa quê. Trong tâm điểm của dịch Covid-19, tỉnh vừa gồng mình phòng chống dịch trên địa bàn, vừa thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời vận động, tiếp sức cho bà con phương Nam hơn 350 tấn lương thực, thực phẩm. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực cao nhất đón, tổ chức cách ly, bố trí việc làm, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn bà con trở về.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên Hội đồng hương Nghệ An tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động của Hội trong việc kết nối, giúp đỡ bà con quê nhà trên địa bàn, lan tỏa bản sắc văn hóa xứ Nghệ và có đóng góp tích cực trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh mong muốn và cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân xứ Nghệ tiếp tục về đầu tư, làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo chiều dài lịch sử, Sài Gòn và miền đất phương Nam đã đùm bọc, giúp cho các thế hệ người Nghệ vào học tập, làm ăn và lập nghiệp thành công. Cũng trên miền đất này, người Nghệ đã và đang là một cộng đồng lớn, có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thành phố mang tên Bác và các địa phương lân cận. Thiên nhiên phóng khoáng, tình người phương Nam nghĩa hiệp, hồn hậu đã và đang được các thế hệ người Nghệ hòa nhập, bồi đắp thêm cho mình những nét tính cách thú vị. Đó là sự hào sảng với bạn bè, anh em, mà không mấy tính toán thiệt hơn; là sự chịu khó làm ăn và sống tiết kiệm mà không tằn tiện, ky bo; đó là sự không vòng vo, hoa mỹ trong lời nói, giản dị đến mức tuềnh toàng trong ăn mặc mà lại rất dễ gần, dễ chịu, dễ thương. Tiếp xúc với không ít người phương Nam, họ đều quý mến người Nghệ từ những nét tính cách nổi trội và khá đồng điệu ấy.
Mấy năm trước và gần đây, Đài PT-TH Nghệ An đã sản xuất “series” phóng sự tài liệu “Người Nghệ muôn phương”. Nhiều chân dung doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học thành đạt đã được giới thiệu tới đông đảo khán, thính giả trong và ngoài tỉnh. Tôn vinh những tấm gương người Nghệ có ý chí, những thành công đáng khâm phục, chương trình còn muốn gửi những thông tin chân thực tới mọi người, tới bà con quê nhà về biết bao gian khó mà họ đã trải qua, về kinh nghiệm và cả thách thức phía trước mà bao người Nghệ xa quê đang nỗ lực từng ngày. Để rồi, vui mừng về sự thành công của con em mình, bà con quê nhà càng thêm chia sẻ với bao khó nhọc của người đi xa; để rồi lớp trẻ quê nhà có thêm những bài học quý, tự tin, vững vàng hơn trên con đường lập nghiệp phía trước.
Trời Sài Gòn chợt mưa rồi chợt nắng, với hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Từ nhiều thập kỷ nay, cộng đồng người Nghệ nơi đây đã coi Sài Gòn, coi miền đất phương Nam là quê hương thứ hai của mình. Để rồi càng đi xa, mỗi người lại càng nhớ và hướng về, càng yêu hơn quê hương xứ sở, mong muốn đóng góp trí tuệ, công sức hơn nữa cho sự phát triển của quê nhà xứ Nghệ.
Nguyễn Như Khôi