Chuyện nhỏ mà không nhỏ trên cánh đồng

Lần này, tôi đến thăm một hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa giảm phát thải ở vùng Đồng Tháp Mười. Trên cánh đồng vừa thu hoạch xong, ngồi chuyện trò với anh Giám đốc HTX thâm giao. Đó là một người cựu chiến binh, người luôn trăn trở về quá khứ, hiện tại và tương lai cây lúa ở nơi được xem là một trong những vựa lúa của cả nước. Bất ngờ, một anh chủ doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp địa phương cũng ghé qua, rồi cả ba cùng say sưa luận bàn. Vài chiếc ghế đơn sơ, bốn bề mênh mông đồng ruộng, xa xa là bầy vịt chạy đồng đang hối hả tìm mồi.

Một chủ đề quen thuộc được mọi người nhắc đến: đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đó là tập quán lâu đời của nông dân cả nước. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Những cột khói từ ruộng lúa cuộn lên trời, có khi trùm lên cả khu dân cư, gây ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt của nhiều người. Trước đây một khoảng thời gian không xa, khói bụi do đốt đồng còn khiến một sân bay ngưng trệ hoạt động do phi công bị hạn chế tầm nhìn. Nhưng khi nhìn theo một hướng khác, những bó rơm ấy lại là một nguồn tài nguyên quý, là thu nhập tăng thêm của người nông dân, là thương hiệu hạt gạo xanh.

 

Anh Giám đốc HTX chia sẻ, “nông dân tụi tui giờ quyết tâm không đốt rơm rạ trên đồng nữa”. Thay vào đó, bà con nhờ anh chủ doanh nghiệp cơ khí này chế tạo máy cuộn rơm thành kiện để bán cho người nuôi bò, làm nấm rơm. Nhờ đó, từ một thứ tưởng như bỏ đi, nay lại trở thành nguồn thu nhập, giúp nông dân có thêm “đồng ra, đồng vào” và góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp. Đó cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp: không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Phát triển nông nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường để nông nghiệp phát triển bền vững.

Trao đi đổi lại một lúc, anh Giám đốc HTX cho biết, nhiều bà con nông dân vẫn còn nơm nớp một nỗi lo: vào mùa mưa, rơm ướt không thể cuộn lại được. Vậy là anh chủ doanh nghiệp lại tiếp tục mày mò nghiên cứu chế tạo máy vùi rơm xuống đất, kết hợp với chế phẩm sinh học giúp rơm rạ phân hủy nhanh, bổ sung chất hữu cơ cho đất. Nhờ đó, bà con giảm được khoảng 20% chi phí phân bón hóa học cho vụ sau. Một cách làm đơn giản nhưng mang lại lợi ích kép, đúng là Nhất cử lưỡng tiện”.

Câu chuyện nhỏ giữa một nông dân là Giám đốc HTX và một doanh nhân chế tạo máy cơ khí nông nghiệp. Anh từng được vinh danh “Sao vàng Tam nông”, tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc nhờ những sáng kiến hữu ích cho nông dân. Đó là khoa học công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tế, là những giải pháp thiết thực từ ruộng đồng. Đó là đổi mới sáng tạo không phải đặc quyền của ai, mà là của tất cả những người biết lắng nghe, quan sát và không ngừng cải tiến để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chỉ cần nhân lên phần chi phí tiết giảm được nhờ sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ vùi xuống đất với tổng diện tích trồng lúa, chúng ta sẽ thấy, nông dân tăng thu nhập lên bao nhiêu. Nhân lên tổng lượng khói bụi không còn phát tán vào không khí, sẽ thấy môi trường được cải thiện thế nào. Nhân lên lượng rơm được tận dụng, sẽ thấy nguồn tài nguyên tưởng chừng vô giá trị lại trở thành nguồn thu nhập quan trọng cho bà con.

 

Một vòng tuần hoàn hẹp trong sản xuất lúa rồi đây sẽ tiến tới vòng tuần hoàn rộng hơn trong ngành nông nghiệp, mở ra tư duy mới cho nhà nông và cơ hội xuất hiện nhiều hơn những ý tưởng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cho nhà doanh nghiệp của ruộng đồng. Tôi vừa suy nghĩ vừa ngắm nhìn phía xa, bầy vịt chạy đồng đang vẫy vùng trên mặt nước ruộng để tìm cái ăn từ những gì còn sót lại và góp phần bổ sung dinh dưỡng cho lúa từ chất thải của mình.

Anh chủ doanh nghiệp cho biết: máy cuộn rơm của anh đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia. Không dừng lại ở đó, anh đang nghiên cứu tích hợp công nghệ thông minh vào máy đa chức năng, để một ngày nào đó, nó có thể tự động hóa, không cần người điều khiển. Và anh không chỉ chế tạo máy thu hoạch, vùi phân cho cây lúa, mà còn muốn tạo ra những chiếc máy đa năng khác để giúp be bờ, đắp đập, khơi luồng nước, canh tác trên nhiều loại cây trồng khác.

Anh là người của những sáng kiến chế tạo những chiếc máy cho nông dân trồng lúa, trồng ngô và những nông cụ hữu ích khác. Bởi vì anh cũng từng là một người nông dân, thấu hiểu từng giọt mồ hôi đổ xuống ruộng đồng. Bởi vì anh không chỉ làm vì lợi nhuận, mà còn làm để trả ơn người nông dân, trả ơn cuộc đời. Bởi vì anh không chỉ là một doanh nhân, mà còn là một nhà khoa học tâm huyết dấn thân cho quê hương xứ sở.

Anh mang giấc mơ về những cỗ máy hiệu quả, những ý tưởng sáng tạo và cả tấm lòng của những con người làm nông nghiệp bằng trái tim. Như nhà bác học Louis Pasteur từng nói: Học vấn không có quê hương, nhưng người có học vấn thì phải có Tổ quốc”.

Hai người đàn ông, một là Giám đốc HTX đại diện cho bà con nông dân, một là doanh nhân, chủ của một doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp. Đó là hình ảnh doanh nhân đầy cảm xúc trên cánh đồng còn vương mùi rơm rạ. Tất cả đều dấn thân cho một nền nông nghiệp thịnh vượng, vì cuộc sống tươi đẹp hơn cho hàng triệu cư dân nông thôn. Tinh thần hợp tác liên kết giữa hai bên không đo lường bằng giá trị bản hợp đồng hay tờ hóa đơn mua bán mà bằng niềm tin sâu sắc dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai bên không chỉ là đối tác kinh tế mà còn là những người bạn cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Hạt giống hai người đàn ông đang gieo bằng trái tim sẽ nảy mầm bằng cả hy vọng. “Về tương lai ngày quê hương. Màu xanh áo mới chứa chan niềm tin. Đường ta đi xanh thắm mộng đời”.

Một câu chuyện nhỏ giữa cánh đồng nhưng có ý nghĩa không hề nhỏ. Một sáng kiến chế tạo chiếc máy cuộn và vùi rơm có thể không lớn nhưng đang hỗ trợ cho ngành trồng lúa bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Trong cuộc sống, có những điều tưởng chừng nhỏ nhưng đôi khi mang lại giá trị lớn lao vô cùng. Đúng như câu “Một hạt giống nhỏ bé nhưng có thể mọc thành cây đại thụ”.


Lê Minh Hoan
Tiến Thành
Lê Hoàng Vũ
Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến