Chuyện chưa kể về Trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương

Từng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa (trước đây) và một số nước phát triển, nhưng lần này là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA); Ông Nguyễn Đình Lương - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách cả chủ quan và khách quan để hoàn tất việc ký Hiệp định BTA (năm 2000) mở ra con đường cho nền kinh tế đất nước hội nhập và phát triển.

12.jpg

Dù đã gọi điện xin cái hẹn trước nhưng phải chờ gần ba tuần, sau khi ông Nguyễn Đình Lương có việc gia đình ở trong Nam Đàn ra, tôi mới được diện kiến ông. Tuổi đã ngoại bát tuần nhưng đôi mắt vẫn lanh lợi mở to, giọng nói vồn vã, ông chia sẻ: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được khởi động khi chúng ta vừa bình thường hóa quan hệ với Mỹ chưa lâu (năm 1996). Chiến tranh chấm dứt đã hơn 20 năm, nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu trên nhiều vùng miền cả nước, nhất là di chứng chất độc da cam/dioxin của đế quốc Mỹ vẫn đeo đẳng hàng vạn người trước đây tham gia trên các chiến trường.

ong-nguyen-inh-luong-hien-tai.jpg
Ông Nguyễn Đình Lương (hiện tại)

Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới từ năm 1986 nhưng vẫn còn đó nặng nề tư tưởng của nền kinh tế bao cấp, quan liêu trì trệ đeo đẳng. Mặt khác, tư tưởng của một bộ phận đảng viên (có cả lãnh đạo các cấp) còn quan niệm Mỹ vừa thất bại ở Việt Nam, nỗi uất hận chưa dễ gì nguôi ngoai; thậm chí chúng còn mưu này, chước nọ tìm cách chống phá nước ta thì làm sao có thể ngồi lại với nhau để bàn chuyện làm ăn kinh tế. Ngược lại không ít người Mỹ có sự nghi ngờ và thiếu lòng tin về thiện chí của Việt Nam trong việc "bắc một nhịp cầu" mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Bối cảnh cuộc đàm phán Hiệp định BTA diễn ra trong xu hướng toàn cầu hóa; Mỹ là một siêu cường về nhiều mặt nhưng những thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội của "đối thủ" ở thời điểm đó rất khan hiếm, ngay trưởng đoàn Nguyễn Đình Lương cũng thú nhận là mình hiểu về Mỹ còn ít ỏi. Nói về luật pháp thì cách đây hơn 20 năm, chúng ta thiếu rất nhiều và nếu có thì giữa luật của ta và Mỹ có nhiều điều vênh nhau, xa lạ. Trong khi số người Việt hiểu biết các đạo luật của Hoa Kỳ và nhiều lĩnh vực tựa như "lá mùa thu". Cho nên một mặt các thành viên trong đoàn đàm phán phía Việt Nam phải đọc, phải học kể cả ngày nghỉ cuối tuần để vỡ vạc ra; mặt khác Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cũng phải khẩn trương xây dựng các luật mới đồng thời bổ sung, sửa đổi những luật đã ban hành sao cho phù hợp với xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động.

ndl8-9229--copy1.jpg

Sau các cuộc gặp gỡ, thảo luận một số vấn đề trọng yếu, Việt Nam và Hoa Kỳ thống nhất khởi động đàm phán BTA vào cuối tháng 9/1996. Khi nhận nhiệm vụ làm trưởng đoàn sang Mỹ để đàm phán Hiệp định BTA ông Nguyễn Đình Lương đã có "thâm niên" 20 năm đàm phán với nước ngoài, nhưng phần lớn là các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ; giờ đây là đối diện với Mỹ mới ngày nào còn là “hai bờ chiến tuyến”, là "cựu thù" của nhau. Với các nước XHCN cũ ngoài quan hệ hữu nghị, anh em, giữa ta với họ còn có sự gần gũi về thể chế chính trị, tương đồng trong hệ thống pháp luật. Còn đối với Hoa Kỳ mọi thứ đều bí hiểm và quả thực ban đầu rất thiếu niềm tin. Ông Lương nhớ lại, ở thời kỳ đó ông đã phải dành khá nhiều thời giờ tìm đọc tài liệu, sách báo viết về lịch sử, văn hóa, chính trị, đặc biệt là hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ (bởi họ đã có hệ thống luật pháp để điều tiết nền kinh tế thị trường hơn 100 năm). Mặt khác, ông cũng đọc và nghiên cứu các Hiệp định mà Mỹ đã ký kết với các quốc gia khác trong quá trình hợp tác kinh tế, cũng như những điều khoản quy định của các tổ chức GATT và WTO. Nghiên cứu tài liệu nắm bắt thông tin, ông thấy các quốc gia có nền kinh tế phát triển ở thời kỳ đó như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều phải dựa vào thị trường Mỹ; ngay Trung Quốc năm 1979 cũng đã phải ký Hiệp định với Hoa Kỳ nhằm xuất khẩu được nhiều hàng hóa vào Mỹ, để tạo điều kiện thực hiện bốn hiện đại hóa theo tư tưởng của Đặng Tiểu Bình.

ndl7-3860-1594428090.jpg

Tuy nhiên, khi mới tiếp nhận bản dự thảo Hiệp định do phía Hoa Kỳ chuyển đến, ông Nguyễn Đình Lương bộc bạch: Quả thực là nhiều khái niệm mới và xa lạ với Việt Nam khi đó, chẳng hạn như sở hữu trí tuệ, dịch vụ, cạnh tranh, tối huệ quốc, logistic, đối xử quốc gia, cổ phần, cổ phiếu... Đoàn đàm phán phía Việt Nam khoảng 40 người bao gồm đại diện các bộ, ngành và lĩnh vực; đọc trong bản Hiệp định dự thảo có khái niệm hay vấn đề gì liên quan đến ngành mình thì cán bộ ngành đó phải có trách nhiệm nghiên cứu, lý giải. Bản dự thảo Hiệp định của phía Hoa Kỳ được thiết kế dựa trên các nguyên tắc, quy định của WTO, NAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ). Chưa biết phải hỏi, chưa giỏi phải học. Ông Nguyễn Đình Lương nảy ra ý định hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc (bởi nước này đã ký Hiệp định với Mỹ cách đó gần 20 năm), nhưng khi nêu vấn đề, người am hiểu lĩnh vực này của phía bạn tìm cách "giấu nhẹm". Sau nhiều tháng đọc, nghiên cứu WTO cũng như một số quốc gia đang có hợp tác làm ăn với Hoa Kỳ, phía Việt Nam đã thiết kế mới hoặc điều chỉnh những gì cần bảo lưu trong số 7 chương, 72 điều, và 9 phụ lục của Hiệp định. Trong đó, theo ông Lương chúng ta tập trung nhiều vào các chương: Thương mại hàng hóa; Thương mại dịch vụ; Quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển quan hệ đầu tư.

1dam-phan-viet-my-2.jpg

Gần năm năm diễn ra 11 phiên đàm phán nhưng phải mấy phiên đầu hai “đối thủ" nghe nhau nói là chính và về phía Việt Nam “mẹo” của Trưởng đoàn là đặt ra nhiều câu hỏi cho phía Mỹ trả lời. Bởi như ông Lương cho biết, qua cách trả lời của đối phương ta hiểu thêm ý đồ của họ trong "cuộc chơi" này, đồng thời Việt Nam cũng nắm bắt được nhiều hơn bản chất của nền kinh tế thị trường mà bao năm bị cơ chế của nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu lấn át, che khuất. Được cái là, Trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ là ông Joseph Damond (kém ông Lương 20 tuổi) không vướng víu gì về “cuộc chiến” đã qua, lại có thiện chí với Việt Nam nên Trưởng đoàn ta có thể điều tiết tiến trình cuộc đàm phán.

10-8841.jpg
Ông Joseph Damond, Trưởng đoàn đàm phán phía Hoa Kỳ

Thành phần đàm phán phía Việt Nam gồm đại diện nhiều bộ, ngành nên trong từng lĩnh vực ông Lương yêu cầu các chuyên gia chủ động nghiên cứu, đề xuất và xin ý kiến cấp trên để khi Trưởng đoàn Việt Nam tổng hợp nêu ra và cùng bàn thảo với phía Mỹ thì họ nghe được và đi đến chấp thuận. Dù phải trải qua không ít thử thách, cam go thậm chí có lúc tưởng như phải dừng lại, nhưng với sự dạn dày kinh nghiệm, khôn khéo, uyển chuyển chèo lái của Trưởng đoàn phía Việt Nam Nguyễn Đình Lương, sau gần 5 năm đấu trí, Hiệp định BTA Việt - Mỹ đã được hai Trưởng đoàn ký tắt 1200 chữ ký và đến thời điểm thích hợp đã “hạ màn” vào trung tuần tháng 7/2000 tại Washington.

ndl8-9229--copy2.jpg
Chiều ngày 13/7/2000, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã chính thức được ký kết giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và đại diện thương mại Mỹ Charlene Bashefsky tại Washington. Khoảng một giờ sau từ Trại Đa Vít, Tổng thống Mỹ B.Clinton đã bay về Nhà Trắng và tổ chức cuộc họp báo ở Vườn Hồng để công bố cho thế giới biết về sự kiện hoàn tất bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tại đây ông B.Clinton phát biểu "Hiệp định này là một điều nhắc nhở chúng ta rằng, những kẻ cựu thù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho Nhân dân họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai...".

1122.jpg

Còn đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (thời kỳ đó) đánh giá: "Đây là một Hiệp định thương mại song phương đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh lớn nhất trong số Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký với nước ngoài...". Ông cũng nhấn mạnh "Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là một bước quan trọng để Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO và đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới để phát triển".

Quả thực từ chỗ là "kẻ thù không đội trời chung", là cựu thù, là nghi kỵ và không tin nhau, sau Hiệp định BTA mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển và đã được nâng lên là đối tác toàn diện gần 10 năm qua. Ông Nguyễn Đình Lương không thể ngờ rằng thời điểm diễn ra đàm phán BTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt gần 1 tỷ USD thì đến năm 2022 con số này tăng lên 109,38 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang một thị trường khó tính cán mốc 100 tỷ USD. Thật là một bước tiến ngoạn mục của nền kinh tế nước nhà. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đạt gần 14,5 tỷ USD; đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 lên 123,86 tỷ USD (tăng 11% so 2021).

dam-phan-viet-my-11.jpg

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu không dễ dàng bởi những quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo; nước này cũng thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng đến nay Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, còn Mỹ là đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam. Cũng từ Hiệp định BTA mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở làm ăn kinh tế, thương mại mà dịch chuyển sang các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe con người. Bây giờ nhìn lại, ông Nguyễn Đình Lương càng thấy sáng rõ hơn BTA đã thúc đẩy một quá trình để Việt Nam từng bước xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử để hội nhập kinh tế thế giới. Nếu không đạt được BTA, Việt Nam khó có cửa để gia nhập WTO cũng như sau này tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Còn TS Võ Trí Thành - một chuyên gia kinh tế cho rằng : "Hiệp định BTA chính là nền tảng giúp Việt Nam tự tin hơn trong công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam xây dựng mới, sửa đổi cho phù hợp hàng chục Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; gắn cam kết quốc tế với cải cách trong nước, nhất là cải cách thể chế kinh tế". Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao đến nay chúng ta đã có quan hệ ngoại giao chính thức với gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với hơn 100 nước ở những cấp độ khác nhau…

ong-nguyen-inh-luong-va-tac-gia.jpg
Ông Nguyễn Đình Lương và tác giả

Chia tay ông Nguyễn Đình Lương, dọc đường tôi cứ miên man về những người bạn cùng trang lứa với ông như Nguyễn Bá, Phạm Xuân Tùy, Trương Đình Tuyển cùng “lò phổ thông” Huỳnh Thúc Kháng- Vinh - những người học ra học, làm ra làm và đều đã có những đóng góp cho quê hương đất nước. Tôi cũng thấy lý thú khi ông Lương, trong cuộc trò chuyện đã nhắc lại kỷ niệm cách đây hơn chục năm trả lời phỏng vấn của một tờ báo, ông đã dẫn những lời nói dân dã mà hàm ý sâu sắc của thân phụ, dặn ông thời trai trẻ và đã được ông vận dụng khéo léo trên bàn đàm phán, rằng “Muốn có đường cày thẳng không thể nhìn vào mông con bò, mà phải hướng về phía trước và xa hơn” …

Bài: Nguyễn Khôi
Thiết kế: Hoàng Bá

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến