Câu chuyện Ước Lễ

 

Vậy là rong ruổi, vậy là đã đứng trước cổng làng Ước Lễ ở ngoại thành Hà Nội. Làng quê yên ắng so với sự nhộn nhịp trong nội thành. Đúng là “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”.

Ước Lễ, không chỉ là một địa danh mà còn là cái tên gắn liền với nghề truyền thống làm giò chả, nem chua, theo sử sách đã tồn tại từ thời nhà Mạc, hơn 500 năm qua, là niềm tự hào của người làng. Những cây giò lụa trắng mịn, thơm ngậy. Những chiếc nem chua giòn thơm mùi thính gạo. Qua dòng chảy thời gian và biến động cuộc sống, những người con của làng rời xa quê hương mưu sinh nơi đất khách. Đã từng thưởng thức món giò chả, nem chua của người Ước Lễ đâu đó nơi góc phố, trong các ngôi chợ nội thành, hôm nay được bước vào một ngôi nhà truyền thống Bắc bộ còn giữ ngọn lửa nghề cha truyền con nối trước nhiều biến động trong cuộc sống ở làng, thật nhiều cảm xúc lẫn lộn, đan xen.

Thương quá mảnh đất làng, quý quá những con người làng mộc mạc và trân quý quá tinh hoa nghề làng. Những con đường lát gạch đỏ dẫn đến những bức tường gạch mộc, mái đỏ rêu phong, phủ bóng thời gian, bên cạnh những ngôi nhà được cơi nới trông có vẻ hiện đại hơn.

Thoáng qua phía sau dòng mương nhỏ, đình làng và chùa Sổ, chiếc cầu cong và cổng làng vẫn còn đó như chứng tích của lịch sử. Có lẽ vì vậy mà những người làng rời quê tỏa đi muôn nơi, vẫn đau đáu nỗi niềm thương nhớ làng quê, vẫn trân quý từng hương vị của giò chả, nem chua, từng giọt rượu nếp cái hoa vàng thơm nồng. Mỗi khi nhắm mắt, người Ước Lễ dù ở nơi đâu vẫn còn in đậm hình bóng quê nhà. “Quê hương là chùm khế ngọt” mà!

Người nông dân rời làng quê cũng là thực trạng chung của nhiều đất nước, cũng là quy luật trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Người trẻ rời quê để có công việc thu nhập cao hơn, hưởng thụ cuộc sống tiện ích hơn nơi thị thành. Người lớn tuổi còn ở lại làng trong nỗi trống vắng mênh mông, rồi đến một hôm, cũng rời đi để sống cùng con cháu nơi chốn phồn hoa, mang theo nghề truyền thống bao đời. Người Ước Lễ đi đến đâu, những khoanh giò, miếng chả, chiếc nem đến đó. Một người còn ở lại làng gợn buồn: làng này ngày xưa người làm nghề giò chả, nem chua nhiều lắm, giờ chỉ còn đôi ba nhà giữ nghề.

Làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn, vẫn níu chân người làng. Thỉnh thoảng năm ngày nửa tháng hoặc có thể lâu hơn vẫn trở về làng, mở cửa ngôi nhà cổ vắng bóng người thân. Khói nhang trên bàn thờ tổ tiên nghi ngút, như sợi dây nối con người với quá khứ. Về để dự Hội làng, để thành kính trước Thành hoàng làng, tưởng nhớ cụ tổ của làng nghề. Trong tim người rời quê, Ước Lễ này vẫn là một làng quê đầy tự hào với những giá trị tinh hoa mà người làng mong muốn truyền lại cho thế hệ mai sau.

Những nỗi niềm của người làng Ước Lễ cũng là nỗi niềm của hàng triệu người nông dân khắp mọi miền đất nước, cũng là mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đó là giữ gìn bản sắc nông thôn để mỗi ngôi làng trở thành nơi đáng sống, đáng tìm đến và đáng quay về. Không gian sinh sống và sản xuất chật hẹp trong mỗi ngôi làng, trong khi con người ngày càng sinh sôi nảy nở. Vậy là con người làng như những cánh chim phải bay đi muôn nơi tìm chỗ nương tựa. Đó là quy luật muôn đời. Muốn vượt qua quy luật đó, không có cách nào khác là mở rộng không gian sống và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, khôi phục ngành nghề truyền thống và phát triển những ngành nghề mới.

Như vậy cần có cách tiếp cận khác về quy hoạch lại không gian làng theo hướng mở, quy hoạch sản xuất theo tư duy kinh tế đa giá trị, quy hoạch bảo tồn tinh túy các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ước Lễ, một vùng chiêm trũng có thể chuyển sang những mô hình kinh tế nông nghiệp đa ngành, đa nghề. Phát triển nông thôn Ước Lễ không chỉ là câu chuyện quy hoạch mà là câu chuyện thay đổi cách tiếp cận tư duy kinh tế nông thôn, bao gồm kinh tế nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp, kết hợp nghề nông với làng nghề, kết hợp nghề nông, làng nghề với du lịch trải nghiệm,...

Mỗi ngôi làng Việt đều có biên niên sử từ những bậc “Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ” cho đến tận hôm nay. Mỗi một người làng đều là tinh hoa đang giữ trong mình tinh hoa truyền thống vài trăm năm. Hãy giúp mỗi người làng biết tự hào kể câu chuyện về làng quê của mình. Từ giò chả, nem chua làm sao trở thành món “Nem công - Chả phụng”, quốc hồn quốc túy, hiện diện trên bàn ăn trong những ngày đặc biệt. Câu chuyện kể để người làng tự hào hơn và tạo dòng người tìm đến mang ánh sáng văn minh nơi thị thành.

Người ta có thể rời quê hương, nhưng không ai có thể rời bỏ ký ức của mình. Tuổi trẻ là người giữ chìa khóa của tương lai. Rồi những người trẻ Ước Lễ sau thời gian ra chốn thị thành học tập, làm việc, sẽ “quy nông, quy hương” mang sự năng động, tri thức, thị trường trở về tạo ra những giá trị mới, kết nối, đưa những dòng người phương xa tìm đến quê nhà trải nghiệm. Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, các bạn trẻ ngồi bất cứ nơi nào vẫn có thể giúp cho làng quê bằng cách kết nối nông thôn và đô thị, nông sản và thị trường.

Những đình làng, chùa miếu, di tích lịch sử, văn hóa phi vật thể đều có thể phát huy giá trị, trở thành tài sản sinh sôi ra của cải phục vụ cuộc sống hôm nay của người làng chứ không còn bị phủ bụi thời gian. Chuyển đổi số, cách truyền thông của các bạn trẻ sẽ làm cho Ước Lễ được cả nước biết đến như một trong những cội nguồn dân tộc, đang gói trọn tinh hoa làng Việt, tinh hoa nghề Việt.

Người Ước Lễ dù còn ở lại trong làng hay đi làm ăn nơi xa đều ôm ấp giấc mơ Ước Lễ không chỉ là một ngôi làng, mà còn là nơi lưu giữ trọn vẹn hồn cốt của văn hóa Việt với những tư duy mới. Hãy gìn giữ quá khứ, vì đó là nền tảng để chúng ta xây dựng tương lai.

“Nơi ta sinh ra là nơi ta luôn muốn trở về, bởi đó là nơi khởi nguồn của tất cả”.


Lê Minh Hoan
Tiến Thành
Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến