Câu chuyện sách vở
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
(Giang Nam)
Hình ảnh cậu bé mục đồng ngồi trên lưng trâu đọc sách cùng với những vần thơ giàu cảm xúc trong bài “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam gieo mầm hạnh phúc cho bao thế hệ từng cắp sách đến trường.
Hạnh phúc qua từng trang sách, qua từng câu chuyện nhỏ từ một quyển sách yêu thích. Hạnh phúc khi được khám phá tri thức nhân loại trải qua triệu năm từ khi sách ra đời. Hạnh phúc khi được biết nhiều người thành công nhờ những điều nho nhỏ học được từ những câu chuyện trong sách.
Hàng ngày, được tương tác, giao lưu với cộng đồng yêu sách cảm nhận như được mới mẽ hơn nhờ hấp thu thêm nhiều kiến thức, năng động hơn nhờ được kích hoạt trí não. Thật phấn chấn khi được hoà mình vào ngày hội sách, ngày văn hoá đọc, được gần gũi với những “con mọt sách”.
Thật cảm xúc khi nghe thông tin về những chuyến xe đưa sách như đưa tri thức tới cộng đồng. Thật trân quý với chương trình sách hoá nông thôn, một cách giúp tri thức hoá nông dân, kích hoạt ra đời những thư viện gia đình, thư viện dòng tộc, thư viện làng, trên nhiều vùng miền đất nước.
Tinh thần hiếu học đã có sẵn trong mỗi người Việt. Hiếu đọc là một trong những viên đá lát đường tạo nền tảng hiếu học và xây dựng xã hội học tập suốt đời.
Đến thăm nhiều ngôi trường thật vui khi thấy nơi nào thư viện cũng khá tươm tất, bên cạnh đó còn có không gian sách đặt trang trọng ngay từ sảnh vào. Nhiều trường còn có các khẩu hiệu như: “Sách là món ăn tinh thần”, “Đừng để sách đứng im trên kệ”, “Khai mở tư duy, Nâng tầm kiến thức”,….
Nhiều trường còn sáng tạo bằng cách đưa sách ra ngoài sân trường, tạo những cuộc thi đọc sách, xếp sách, thi hùng biện về sách. Những hoạt động đầy ý nghĩa như vậy đã bổ trợ chương trình chính khoá của nhà trường. Về mặt nào đó, kích hoạt văn hoá đọc trong trường học cần được xem là một trong những nhiệm vụ chính của các cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên cũng không khỏi những điều còn băn khoăn, trăn trở. Mọi người, từ lãnh đạo nhà trường đến các thầy cô giáo, học sinh sinh viên, có thực sự nhiệt thành đọc sách như một cách tự làm mới mình không? Nếu không thì sao thực hiện đúng tinh thần “Dạy học tức là học lần thứ hai”?, “Giáo dục vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật” như một nhà giáo tâm huyết đã đúc kết. Một nhà giáo dục còn khẳng định: “Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của chính mình”. Làm bất kỳ việc gì cũng cần thấu hiểu đầy đủ giá trị việc ấy thì sẽ không rơi vào sự khiên cưỡng.
Như vậy, các thầy cô cần phải đọc sách để làm mới từng tiết giảng, vừa khai trí, vừa khai tâm cho học sinh, sinh viên. Tri thức nhân loại đang tăng với tốc độ cấp số nhân. Đọc sách là phương tiện để thầy cô làm giàu kho báu cho mình hàng ngày để trao gửi kho báu đó cho người học.
Giáo dục là chạm đến con người để thấu hiểu con người. Mỗi học sinh, sinh viên không giống nhau về hoàn cảnh gia đình, năng lực, cảm xúc, ước mơ, hoài bão,... Chính vì lẽ đó nên trong Nghị quyết của Đảng về giáo dục đào tạo đã xác định “lấy người học làm trung tâm”.
Ngoài tích hợp chuyên môn, thầy cô còn là người truyền cảm hứng, khơi gợi cho người học tình yêu đối với nghề nghiệp, với thiên nhiên, với cuộc sống. Muốn vậy, người thầy đâu chỉ đọc giáo trình, sách chuyên môn mà còn đọc sách về cảm xúc con người, tâm lý lứa tuổi, sách về xã hội, thiên nhiên.
Mỗi một quyển sách mở ra một chân trời mới. Từng trang sách dẫn dắt con người đi khắp các vùng quê, đến khắp nơi trên thế giới, những nơi mà mình có thể chưa một lần được đặt chân đến.
Hiểu được đất nước càng thêm tình yêu đất nước. Hiểu được thế giới để hoà mình vào thế giới, tiến cùng thế giới. Đôi khi chỉ một vài dòng trong sách còn khám phá được chính mình, cả điểm mạnh và điểm yếu, để tự thay đổi. Đó cũng là cách tự học để thành công.
Học giả Nguyễn Hiến Lê từng chia sẻ: “Người nào quá chuyên nghiệp, chỉ đọc những sách về ngành hoạt động của mình thì không khác chỉ đeo vào hai bên thái dương hai lá che mắt, không khác chi tự giam mình vào một phòng chỉ có mỗi một cửa sổ để thông ra ngoài”. Như vậy thư viện không chỉ là nơi tập hợp các công trình nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp, tài liệu chuyên môn mà cần đa dạng hoá nhiều thể loại. Và khi đó thư viện trở thành không gian tri thức mở, nơi mọi người không chỉ đến để đọc hoặc mượn đọc mà là nơi giao lưu, nối kết tri thức và lan toả tri thức. Đó cũng là một kho báu trong trường học.
Đọc sách, chia sẽ điều tâm đắc từ sách sẽ biến thư viện vốn dĩ có phần buồn tẻ thành không gian tri thức sôi động, kích hoạt tất cả những điều tốt đẹp đang tiềm ẩn trong mỗi người.
Đọc sách để thầy cô gần gũi học trò hơn, đồng nghiệp gắn bó đồng nghiệp hơn, lãnh đạo và nhân viên trân quý nhau hơn. Đọc sách để nhận ra xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, để thấy rằng không có nghề nghiệp nào cao quý hay thấp hèn, không có vị trí này được kính trọng hơn vị trí khác. Sự khác biệt giữa người này với người khác là kho báu tri thức trong mỗi người.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, trong thời gian tới mong rằng các trường có nhiều sáng kiến hay hơn nữa, xem đọc sách như một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Khi các thầy cô đam mê đọc sách sẽ truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên đọc sách.
Và sẽ thật hạnh phúc khi tiếp tục được chứng kiến những sáng tạo tiên phong trong văn hoá đọc từ những ngôi trường hạnh phúc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hạnh phúc khi được nhìn thấy mọi người đang miệt mài hấp thu tri thức và lan toả tri thức!.
Có một đúc kết rất hay về lịch sử của sách: “Sách đã thay đổi lịch sử loài người nhiều hơn chúng ta tưởng, và hành trình khám phá những thay đổi đó mới chỉ bắt đầu”. Chúng ta đã bắt đầu, đang bắt đầu gieo trồng tri thức và sẽ gặt hái hạnh phúc!
Nội dung: Lê Minh Hoan
Thiết kế: Trương Khánh Thiện
Ảnh: Nguyễn Nhâm Ngọc Trường - Linh Linh