Câu chuyện con giun đất và vun trồng

Mở đầu bài bằng một vài khái niệm để nhắc đến Đề án “Nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, gọi tắt là Đề án Sức khoẻ đất.

Mặc dù ngành trồng trọt đã có những thành tích vượt bậc trong nhiều thập kỷ qua, nhưng Đề án thẳng thắn xác định: “Đây là thời điểm cần nhìn nhận lại toàn bộ các hoạt động từ nghiên cứu, sử dụng và quản lý sức khoẻ đất trồng trọt trong mối quan hệ tương hỗ với dinh dưỡng cây trồng, đa dạng sinh học đất và thích ứng với biến đổi khí hậu để tìm ra những khoảng trống, có phương án lấp đầy khoảng trống đó, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Đã đến lúc, cần có một tầm nhìn toàn diện hơn về sức khoẻ đất, về dinh dưỡng cây trồng theo hướng thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng”.

Một sáng tinh mơ, khi ra đồng cày xới, người nông dân nhận ra, đất trên mảnh ruộng của mình đã không còn nâu xốp, màu mỡ như ngày nào. Nhìn lên tán cây, thấy lá đã chuyển từ màu xanh sang vàng úa. Độ phì nhiêu của đất đã bị suy giảm rõ rệt, đất bạc màu và bị mất cân bằng dinh dưỡng.

Điều gì đã dẫn tới bức tranh màu xám thế này? Phải chăng là do tập quán cố gắng khai thác triệt để, không cho đất nghỉ ngơi bằng cách thâm canh tăng vụ, độc canh 3 vụ lúa mỗi năm, bằng việc sử dụng các biện pháp canh tác không phù hợp như xới cạn, trục nhận thay vì cày ải, cày vùi; để ruộng ngập nước liên tục cùng với rơm rạ chưa xử lý trên ruộng lúa dẫn tới đất có nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ…

Rồi việc lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà quên sử dụng phân hữu cơ kèm theo trong một thời gian dài đã làm tích tụ trong đất một lượng lớn các kim loại nặng, hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật làm phá vỡ đi cấu trúc của đất, làm đất bị chai cứng, hệ sinh vật trong đất bị suy kiệt. Theo đó mà màu xanh đang bị mất dần trên những cánh đồng, thửa ruộng.

Dưới mặt đất, giun đất vốn là loài dễ nhận thấy đang dần vắng mặt ở nhiều nơi. Không chỉ là do quá nhiều hóa chất được đưa vào trong đất mà còn do sự đánh bắt của con người vì những mục tiêu kinh tế khác. Thiếu cỗ máy làm tơi xốp đất sinh học này, đất trở nên chai cằn, mùn bã hữu cơ không được phân hủy kịp thời, không khí trong đất không được lưu thông đúng mức đã làm ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng, sức khỏe cây trồng.

Vòng đời cây trồng bắt đầu từ khi hạt nảy mầm, mầm sẽ phát triển và tạo thành cây. Rồi chẳng mấy chốc, hoa sẽ nở, trái sẽ kết và hạt được tạo thành. Trong quá trình đó, theo một nhà khoa học mô phỏng tự nhiên: “Dưỡng chất được chuyển từ loài sinh vật này sang loài khác, vì lợi ích chung của mọi loài. Chất khoáng hấp thu trong đất nuôi vi sinh vật, vi sinh vật góp phần nuôi cây, cây lại nuôi các loài khác, với chất thải của loài này lại là dinh dưỡng của loài khác”. Một khi dòng dưỡng chất từ đất không còn lưu chuyển, sức khỏe đất yếu dần, cây cối sinh trưởng không bình thường. Khi ấy, người nông dân phải dùng tác nhân phi tự nhiên thay cho dòng lưu chuyển phục hồi tự nhiên.

Thật may mắn được đến thăm nông trại trồng rau tuần hoàn Airfield Estate, được các bạn sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đang học theo chương trình hợp tác, chia sẻ về cách tuần hoàn hệ sinh thái đất.

Rau ở đây được trồng luân canh hằng năm trên các ô đất. Sau khi thu hoạch, được đưa vào bếp để chế biến thành các món ăn phục vụ cho nhà hàng. Thức ăn thừa từ rau và phụ phẩm từ vườn được thu gom làm phân ủ nóng bằng phương pháp truyền thống hoặc ủ bằng máy. Phân hữu cơ thu được từ quy trình này được sử dụng bón lại cho đất vào vụ tiếp theo, thậm chí còn dư để bán ra ngoài. Đây là một chu trình canh tác khép kín, không tạo ra rác thải và liên tục cung cấp lại dinh dưỡng cho đất.

Mô hình tuần hoàn tại đây dựa vào các nguyên tắc nông nghiệp sinh tháibảo vệ và nâng cao sức khỏe của đất trồng. Tính bền vững của hệ thống được củng cố thêm nhờ không lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Thay vào đó, phương pháp trồng luân canh rau với cây họ đậu giúp cải thiện dinh dưỡng trong đất, trồng xen rau với cây xua đuổi và dẫn dụ côn trùng để hạn chế sâu bệnh hại. Trong hệ thống trồng rau này gần như không yêu cầu các yếu tố đầu vào, yếu tố duy nhất cần nhập từ bên ngoài là hạt giống rau và nước tưới.

Để hoàn thiện hơn các nguyên tắc sinh thái và tăng tính bền vững cho khu vườn, nông trại trồng xen cây che bóng cùng với rau, thay vì tách riêng như hiện tại.

Cây che bóng giúp bảo vệ rau khỏi ánh nắng trực tiếp, hạn chế sự thoát hơi nước từ đất, nhờ đó giảm số lần tưới cho vườn. Tuy tốn nhiều công sức và không có năng suất cao như khi sản xuất thâm canh, việc ứng dụng các nguyên tắc sinh thái này giúp nông trại có được tầng đất tơi xốp và khỏe mạnh, đảm bảo canh tác bền vững cho nhiều năm về sau.

Đến khu Giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường trong nông trại có nhiều hình ảnh con giun đất. Một bạn sinh viên khác giới thiệu về một “kỹ sư hệ sinh thái” có tên là giun đất, hay còn được gọi con trùn, là địa long, cực kì quan trọng tạo ra môi trường đất lành mạnh cho cây trồng. Mật độ giun đất được coi là “thước đo” cho sức khỏe và sự an toàn của hệ sinh thái đất. Ở đâu có nhiều giun đất chứng tỏ chất lượng đất tốt, và ngược lại.

Đặc điểm của giun đất là chúng ăn các chất hữu cơ trong đất, như lá cây mục, xác động vật, từ đó giúp vận chuyển chất dinh dưỡng từ trên mặt đất xuống dưới, làm giàu cho đất. Giun đất còn giúp cải thiện cấu trúc của đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, kích thích sinh trưởng, tăng sức đề kháng. Phân giun là nguồn phân bón hữu cơ tăng cường sức đề kháng của cây trồng, phân hủy rác thải hữu cơ, tăng cường đa dạng sinh học. Vì vậy, giun đất là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, duy trì sự cân bằng sinh thái.

Trong chuyện cổ tích “Sâu rau và giun đất” có đối đáp đáng suy ngẫm. Giun đất: “Sao cậu lười biếng thế hả sâu rau. Tớ làm việc giúp ích cho con người, con người thì vất vả trồng được những mớ rau xanh như vậy mà cậu nỡ lòng phá hoại!?” . Sâu rau đáp: “Rau vườn chính là đồ ăn cho tớ. Cậu cứ như thế để làm gì? Con người cũng có để ý đến cậu đâu. Cậu giúp ích cho con người mà họ vẫn không để ý đến cậu!”. Giun đất: “Cậu nói thế là sai rồi. Tớ giúp đỡ con người chứ không cần họ báo đáp gì cả. Dòng họ tớ chăm chỉ cày xới các lớp đất cho tơi xốp và mỡ màng. Giun đất chăm chỉ, giun đất có ích cho mùa màng cây cối”.

Dạo vòng quanh một nông trại tuần hoàn, hữu cơ càng hiểu thêm triết lý của Trường cấp 3 Nông nghiệp Nam Định: “Dạy học sinh ngửi phân, bắt sâu, chơi với đất, chơi với côn trùng”. Hãy đối xử tử tế với đất vì đất nuôi cây và cây sẽ nuôi sống con người, nuôi sống thế hệ tương lai! Đất không phụ người và mong người cũng sẽ không nỡ phụ đất!

Vun trồng đất! Vun trồng cây! Vun trồng tương lai!


Nội dung: Lê Minh Hoan - Nguyễn Thị Thu Hương
Thiết kế:Tiến Thành

 

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến