Bí thư cấp tỉnh không là người địa phương: Bước đệm chuẩn bị nhân sự khóa mới
Lời Tòa soạn:
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.
Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương.
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có “bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương.
Qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bí thư tỉnh ủy được luân chuyển thời gian qua, VietNamNet khái quát lại kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương “bí thư không là người địa phương”.
Cụm từ “Bí thư địa phương” thường được dùng để chỉ những lãnh đạo là người sinh ra, lớn lên và làm việc lâu dài ở địa phương, phân biệt với cán bộ lãnh đạo sinh ra và trưởng thành từ nơi khác hay các bộ, ngành, đơn vị.
Lãnh đạo gắn bó với địa bàn lãnh thổ cụ thể là một thực tế phổ biến tại các nền chính trị trên thế giới, giúp cá nhân tích lũy được “vốn chính trị”, từng bước bồi đắp được uy tín chính trị.
Thành công tại “địa bàn chính trị của mình” chính là bàn đạp để cá nhân vươn tới các cương vị cao hơn trong chính quyền trung ương (như tại Trung Quốc, Nhật Bản) hay chính quyền liên bang (như tại Mỹ, Đức).
Theo logic tâm lý-chính trị-xã hội, khi gắn bó lâu dài với một địa bàn cụ thể, những ê kíp làm việc quen thuộc sẽ dần hình thành xoay quanh mỗi nhà lãnh đạo. Các “ê kíp thân hữu”, hiểu theo nghĩa tích cực, bảo đảm độ tin cậy chính trị giữa các thành viên, duy trì cam kết hợp tác trong nhóm, góp phần mở rộng sự ủng hộ chính trị cho nhà lãnh đạo, gia tăng sự nhất quán, thông suốt cho quá trình ban hành và thực thi các quyết định lãnh đạo, quản lý.
Với một số ưu điểm, ê kíp thân hữu cũng được chấp nhận ở mức độ nhất định. Chẳng hạn, tại Mỹ, khi một cá nhân thắng cử để trở thành tổng thống thì họ sẽ có thẩm quyền bổ nhiệm khoảng 3.000 vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính quyền liên bang.
Vì thế, tổng thống có thể chọn những người đã gắn bó mật thiết với mình từ trong quá khứ. Sau khi nhà lãnh đạo kết thúc nhiệm kỳ, thành viên chủ chốt trong các ê kíp thân hữu cũng thường rời khỏi vị trí công quyền.
Ở nước ta, làm cán bộ là một “sự nghiệp đời người”, cá nhân thường vẫn gắn bó với vị trí đảm nhiệm kể cả khi nhân sự lãnh đạo chủ chốt kết thúc nhiệm kỳ. Vì thế, khi một ê kíp thân hữu nào đó, dựa trên các quan hệ gia đình, dòng họ, quê quán, nghề nghiệp… chiếm thế áp đảo tại cấu trúc chính trị địa phương thì sẽ tạo ra nguy cơ “thân hữu hóa quan chức”.
Nếu không được ngăn chặn, các ê kíp thân hữu hóa sẽ tiếp tục phát triển, và hệ lụy tiêu cực nhất là có thể biến hệ thống chính trị địa phương thành phương tiện quyền lực cho các nhóm lợi ích chính trị.
Từ năm 2002, bố trí lãnh đạo không là người địa phương đã được coi là một trong những giải pháp đổi mới công tác cán bộ, được nêu ra trong Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”, và sau đó thực hiện thử nghiệm tại một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương.
Theo đó, bí thư được luân chuyển từ nơi khác đến cũng được kỳ vọng có thể giúp đẩy lui các hiện tượng “thân hữu hóa quan chức” tại địa phương.
Cho đến nay, chủ trương nêu trên vẫn luôn được khẳng định nhất quán trong các văn kiện của Đảng liên quan tới công tác cán bộ.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 26/2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.
Tác dụng đáng chú ý thứ nhất của chính sách bố trí bí thư không phải người địa phương là rèn luyện, thử thách, và phát triển năng lực lãnh đạo. Vị thế người đứng đầu ban lãnh đạo tại một địa bàn mới lạ sẽ là một thách thức với mỗi cán bộ.
Một mặt, môi trường làm việc không quen thuộc có thể thúc đẩy cán bộ hoàn thiện bản thân, nỗ lực phấn đấu để khẳng định năng lực, tạo cơ sở cho những cơ hội thăng tiến cao hơn trong tương lai.
Mặt khác, môi trường địa phương cũng có thể trở thành liều thuốc thử khắc nghiệt, khiến cán bộ bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Thứ hai, với tâm thế của người được phân công từ nơi khác về, bí thư được mong đợi có thể thúc đẩy sự chuyển động tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là có thể giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, trì trệ, “cục bộ, bè phái, cánh hẩu”.
Không chịu nhiều sự ràng buộc trong các quan hệ tại địa phương, cán bộ luân chuyển trong vị thế người đứng đầu được cho là có thể tư duy và hành động khách quan, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, sau khoảng hai thập kỷ thực hiện chính sách, số lượng bí thư không phải người địa phương không đạt được như kỳ vọng tại cấp tỉnh.
Trước đây có những biểu hiện “hành chính hóa” trong luân chuyển cán bộ chủ chốt. Đó là việc sử dụng thẩm quyền của cơ quan cấp trên để bố trí bí thư địa phương theo tình huống, cán bộ mới đảm nhiệm vị trí trong thời gian ngắn đã được điều động đến vị trí khác, hoặc cán bộ với sự nghiệp thuần túy chuyên môn nhưng lại được phân công làm lãnh đạo chính trị địa phương.
Những biểu hiện này dẫn đến dư luận về tình trạng “tráng men địa phương”, tâm thế làm việc “hài hòa để giữ mình”, đợi ngày sớm trở về Trung ương.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hiện nay, chính sách bí thư không phải người địa phương đang cho thấy có những bước đổi mới mang lại hiệu quả tích cực. Có những bí thư trưởng thành hơn, bồi đắp uy tín và được luân chuyển về trung ương để làm bộ trưởng, như tại các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế…
Cũng có những bí thư tạo được dấu ấn nhất định như tại Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình…
Thực tế vẫn còn tâm lý không muốn tiếp nhận người đứng đầu được luân chuyển từ nơi khác về. Điều này cũng dễ hiểu bởi xét tâm lý chính trị phổ biến, người địa phương được làm lãnh đạo cao nhất tại địa phương không chỉ là động lực phấn đấu, vinh dự cho cá nhân, mà còn là niềm tự hào của quê hương…
Để từng bước khắc phục những bất cập và hoàn thiện hơn nữa chủ trương bí thư không phải người địa phương cần xây dựng hệ tiêu chí cụ thể hơn nữa cho các ứng viên có thể được bổ nhiệm vào vị trí bí thư địa phương.
Vị thế và vai trò số một của bí thư là lãnh đạo chính trị, đòi hỏi tố chất toàn diện và sự thừa nhận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, cũng như nhân dân địa phương. Vì thế, các tiêu chí cần cân nhắc đến nhiều chiều cạnh nhằm giảm thiểu tình trạng luân chuyển theo tình huống, với những ứng viên chưa đủ uy tín chính trị.
Để tránh tình trạng tráng men, nên chăng trước khi được bổ nhiệm làm bí thư địa phương, cán bộ được luân chuyển cần thời gian đảm nhiệm các vị trí then chốt tại địa phương đó ít nhất một nửa nhiệm kỳ (giai đoạn chuẩn bị, thử thách).
Quy định này sẽ giúp cán bộ làm quen với môi trường làm việc mới, tích lũy trải nghiệm và sự ủng hộ chính trị để có thể được bầu vào vị trí bí thư tại Đại hội Đảng bộ địa phương.
Mỗi vị trí bí thư địa phương cần luân chuyển từ 2 - 3 ứng viên cho nửa nhiệm kỳ thử thách. Nhờ đó, cơ quan chịu trách nhiệm về nhân sự có thể so sánh sự thể hiện trong công việc giữa các ứng viên, đánh giá xem ứng viên nào phù hợp nhất cho địa phương, giảm bớt rủi ro buộc phải bổ nhiệm ứng viên duy nhất.
Ngoài ra, để củng cố tính chính danh cho vị thế lãnh đạo chính trị, cần quy định cán bộ luân chuyển sẽ được bầu vào vị trí bí thư tại Đại hội Đảng bộ địa phương. Quy định này tránh nguy cơ luân chuyển theo tình huống nhất thời.
Mỗi ứng viên được bổ nhiệm làm bí thư địa phương phải hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương từ hơn một nhiệm kỳ, ngoại trừ trường hợp thật đặc biệt. Tính cả thời gian thử thách, luân chuyển về địa phương phải đủ dài để ứng viên toàn tâm, toàn ý làm việc. Qua đó có thể bộc lộ tối đa và được đánh giá chính xác về năng lực cũng như khả năng phát triển sau này. Quy định như vậy cũng sẽ xóa bỏ tận gốc mọi ý định luân chuyển theo tình huống, để “tráng men địa phương”.
Một điều quan trọng nữa là cần tôn trọng ý kiến của địa phương trong việc lựa chọn ứng viên cho vị trí bí thư.
Tôn trọng ý kiến của địa phương là sự dung hòa giữa “tập trung” và “dân chủ”, giảm bớt cảm giác bị áp đặt về cán bộ chủ chốt, hướng đến những ứng viên có thể đáp ứng được nhiều nhất các mong đợi của cả Trung ương và địa phương.
Về lâu dài, cần xây dựng và ban hành các tiêu chí chi tiết để xác định những địa phương phải thực hiện chủ trương bí thư không là người địa phương. Các tiêu chí cần gắn với các đặc điểm của địa phương nhằm bảo đảm việc phân công cán bộ chủ chốt đáp ứng đúng nhu cầu lãnh đạo tại địa phương, xóa bỏ suy nghĩ mặc định rằng cứ “người từ nơi khác chuyển về thì sẽ tốt hơn người địa phương”.
Cũng có nghĩa, nếu các ban lãnh đạo địa phương đang làm việc tốt, không xuất hiện vấn đề nan giải thì không nhất thiết phải bố trí bí thư là người từ nơi khác về.
Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 mới đây đã tiến hành những bước khởi đầu cho quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa 14.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới.
Và rõ ràng việc thực hiện chủ trương bí thư không là người địa phương chính là một bước chuẩn bị nhân sự, thể hiện sự “coi trọng chất lượng gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới”.
Nguyễn Văn Đáng
Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách