Ngày 08/9/2023, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-HĐND trong đó xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII

30 người được lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Uỷ viên Ủy ban nhân dân tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh bầu trước ngày 01/01/2023. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao sẽ là căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giao người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện theo Điều 11, Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo và kê khai tài sản, thu nhập; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thông báo kết quả tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu (nếu có) gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để gửi người được lấy phiếu tín nhiệm và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Chậm nhất là 03 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo giải trình về những vấn đề liên quan đến bản thân được nêu trong báo cáo tổng hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (nếu có), gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có ý kiến về người được lấy phiếu tín nhiệm.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thận trọng, khách quan, công tâm và công bằng khi đánh giá tín nhiệm đối với những người được Hội đồng nhân dân tỉnh bầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh được chuẩn bị sớm, đúng quy định, đảm bảo quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ./.