Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch thành phố, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác liên quan. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch thành phố, giữa quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất thành phố với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện...

Việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất là điều mà người dân luôn chờ đợi. Theo quy định tại Điều 48 Luật Đất đai thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở và trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện. Việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều đó cho thấy, trách nhiệm công khai đã được quy định đối với từng chủ thể. Luật quy định là vậy, nhưng trên thực tế không phải lúc nào người dân cũng có cơ hội để tiếp cận thông tin về quy hoạch đất đai một cách đầy đủ, dễ dàng.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) từng chỉ rõ, việc nội dung công bố thông tin quy hoạch còn rất hình thức, nhiều nội dung công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ bản đồ cụ thể hoặc nếu có thì bản vẽ dung lượng bản ảnh rất thấp không thể xem rõ được nội dung. Việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Ông Hoàn cũng cho biết, theo phản ánh của cử tri, những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. Chính sự thiếu thông tin về quy hoạch đất đai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương” - đại biểu Lê Thanh Hoàn nhận định.

Để thông tin về đất đai không còn nhiễu loạn, để không xảy ra tình trạng “sóng ảo” đất, người dân rất cần được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi chỉ khi công khai, minh bạch mới giúp người dân đủ thông tin, giám sát quá trình từ khâu quy hoạch đến triển khai thực hiện trên thực tế. Điều này tránh việc một số cá nhân lợi dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ lợi ích nhóm, mục đích cá nhân thao túng giá cả, mua bán thông tin hay thậm chí là đầu cơ đất. Việc dễ dàng tiếp cận được thông tin về quy hoạch còn bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tránh được những rủi ro không đáng có khi giao dịch đất đai. Cùng với đó, sẽ giúp hạn chế được các khiếu kiện, khiếu nại khi thực hiện dự án, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, việc công khai, minh bạch về quy hoạch sử dụng đất cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Theo Nghị quyết Số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai...

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có, giờ là việc triển khai nghị quyết trên thực tế. Việc các địa phương lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết, phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về đất đai đầy đủ, dễ dàng rất cần xử lý trách nhiệm nghiêm minh đối với các cơ quan, tổ chức chưa thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch sử dụng đất. Bởi chỉ khi trách nhiệm được xử lý đến nơi đến chốn thì việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân mới không bị gây khó dễ, thông tin về đất đai sẽ không còn bị nhiễu loạn.

Lê Hùng