Điều 19, điều 26 và điều 33 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp. Ngoài ra, HĐND cấp tỉnh còn có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh (tuy nhiên, thẩm quyền này sắp tới sẽ không còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019) .

Tháng 6 năm 2016, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban, Phó Trưởng ban Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Dân tộc và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; HĐND các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng ban, phó trưởng ban Pháp chế và Kinh tế - Xã hội. Một số huyện đủ điều kiện thành lập Ban dân tộc đã thực hiện bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban Ban dân tộc. Cũng tại kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp, các đại biểu HĐND đã bầu Chủ tịch UBND, các Phó chủ tịch và Ủy viên UBND các cấp. Quy trình bầu cử các chức danh của Thường trực HĐND, UBND thực hiện theo Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 11 Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân. Kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy ban nhân dân đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.

Từ sau kỳ họp thứ nhất đến nay, thực hiện công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền, HĐND tỉnh Nghệ An đã 2 lần thực hiện miễn nhiệm và bầu bổ sung Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều lần thực hiện việc miễn nhiệm và bầu bổ sung các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Các trường hợp được miễn nhiệm chủ yếu là do nghỉ hưu theo chế độ hoặc chuyển công tác khác. Ở cấp huyện, cấp xã cũng có nhiều biến động trong công tác cán bộ, do đó, việc miễn nhiệm và bầu bổ sung các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND đã được HĐND thực hiện một cách nghiêm túc theo quy định tại điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 11, Điều 13, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Nhìn chung, việc bầu và miễn nhiệm các chức danh của HĐND, UBND đã được cấp ủy các cấp chỉ đạo kịp thời, HĐND thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quy trình và quy định của pháp luật. Kết quả kiểm phiếu cho thấy sự đồng thuận, thống nhất cao trong các đại biểu HĐND đối với các nhân sự được giới thiệu. Chưa có trường hợp nào bị Thường trực HĐND, UBND cấp trên từ chối phê chuẩn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác bầu, miễn nhiệm các chức danh do HĐND quyết định còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ, đó là:

Thứ nhất, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định 08/2016/NĐ-CP không quy định rõ về hồ sơ bầu, miễn nhiệm gồm những văn bản, tài liệu gì và các hồ sơ, tài liệu này có được gửi bằng văn bản cho đại biểu HĐND hay không. Bên cạnh đó, Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm quy định số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND các cấp quy định “Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp tiến hành rà soát chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, phải thẩm tra kỹ và có kết luận bằng văn bản về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay), bằng cấp đào tạo, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao (trong 03 năm tính đến thời điểm đề xuất) đối với nhân sự được đề nghị ứng cử thành viên Ủy ban nhân dân các cấp. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan cấp trên đối với người được giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu thành viên Ủy ban nhân dân”. Tuy nhiên, điều băn khoăn là kết luận bằng văn bản do ai thực hiện (Thường trực HĐND hay Chủ tịch UBND) và văn bản này có được gửi cho đại biểu HĐND trước khi bầu hay không?

Thứ hai , theo quy định Ủy viên UBND tỉnh, huyện gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Tuy nhiên trong Luật lại không làm rõ bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn trước rồi mới bầu Ủy viên UBND hay là bầu Ủy viên UBND trước rồi mới bổ nhiệm người đứng đầu thủ trưởng cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn 1136/HD-UBTVQH ngày 13/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu: “Căn cứ vào kết quả bầu của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định bổ nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn tương ứng thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp (trừ Ủy viên phụ trách công an và Ủy viên phụ trách quân sự)”. Tuy nhiên Hướng dẫn này lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật và cũng chỉ là hướng dẫn cho kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp, do đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa có trường hợp nào thực hiện việc bổ nhiệm Ủy viên UBND vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn. Việc bầu Ủy viên UBND tỉnh, huyện chỉ được tiến hành sau khi đã có Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở, Trưởng phòng chuyên môn. Đây là thực tiễn của nhiều địa phương trên cả nước chứ không riêng Nghệ An.

Thứ ba, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định 08/2016/NĐ-CP không quy định về thời hạn thực hiện việc miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Do đó việc thực hiện chưa được thống nhất trên địa bàn tỉnh. Có trường hợp ngay sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đã được HĐND thực hiện quy trình miễn nhiệm để bầu bổ sung người thay thế. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mặc dù đã chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu trước đó nhưng tại kỳ họp gần nhất vẫn không thực hiện việc miễn nhiệm. Chính vì vậy, một số đơn vị đến nay cơ quan HĐND, UBND vẫn còn thiếu các chức danh lãnh đạo do chưa được bầu bổ sung đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương./.

Khánh An